Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ 9 khóa XIV - Kỳ họp trực tuyến đầu tiên


Sáng ngày 20/5/2020, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Đây là kỳ họp trực tuyến đầu tiên, thể hiện sự đổi mới của Quốc hội Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.

Toàn cảnh khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Nguồn: QH
Toàn cảnh khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Nguồn: QH

Thích ứng với hoàn cảnh, yêu cầu thực tiễn

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, thời gian qua, mặc dù vừa phải tập trung chống dịch Covid-19, vừa phải đẩy mạnh phục hồi kinh tế, ổn định xã hội, nhưng các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực khẩn trương, nỗ lực cao nhất trong chuẩn bị để kỳ họp khai mạc.

Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, sự đồng sức, đồng lòng của Quốc hội, của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp cho thấy, Quốc hội luôn chủ động, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của Nhân dân và đất nước.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội của toàn cầu và của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chỉ đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Giữa bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 của nước ta vẫn đạt khoảng 3,82%; an sinh xã hội, đời sống của người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế…

Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này tập trung vào nhiều nội dung quan trọng, cụ thể:

Thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2016-2020, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, do đó, các vị đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch năm năm, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn.

Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến sáu dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong xã hội, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Ba điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ được Quốc hội xem xét, phê chuẩn. Đây sẽ là bước đánh dấu quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em;” xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác.

Đặc biệt, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, thay vì chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể như thông lệ, các đại biểu Quốc hội sẽ gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ về những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Các văn bản chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tổng hợp để báo cáo Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp này.

Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và nhân dân vượt qua khó khăn, tiếp tục tiến bước. Hình thức họp trực tuyến thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai theo đúng quy định của pháp luật.