Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 01/6/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong 02 ngày 01 và 02/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14; Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Đây là những nội dung quan trọng, được nhân dân cả nước quan tâm.
Trước đó, trong 2 ngày 23 và 24/5, Quốc hội đã nghe 02 báo cáo của Chính phủ và 02 báo cáo thẩm tra đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên khai mạc ngày 23/5, báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD...
Phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng ngày 01/6, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành tài chính, ngân sách những tháng đầu năm 2022, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp về tài chính - NSNN.
Nhờ đó, qua 4 tháng đầu năm, thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, có nguồn lực để thực hiện chi cho các nhiệm vụ trong dự toán và nhiệm vụ cấp bách, phát sinh, nhất là chi cho phòng, chống dịch COVID-19. Các chỉ tiêu về nợ công cũng được giữ ở mức thấp hơn nghị quyết của Quốc hội cũng như so với bình quân của giai đoạn trước. Các chỉ tiêu về tiết kiệm chi thường xuyên, hiệu quả, hiệu lực chi tiêu ngân sách đều có những chuyển biến tích cực...
Bày tỏ quan điểm, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và ảnh hưởng bất lợi đến nước ta do xung đột Nga, Ukraine và phục hồi chậm chạp sau đại dịch COVID-19 nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời đề xuất với Quốc hội nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.
Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh, chủ trương, chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành rất kịp thời, đủ mạnh, đúng hướng, có hiệu quả trên thực tế.
Tuy nhiên, nhận định về những tháng còn lại của năm 2022, nhiều ý kiến đại biểu cùng cho rằng còn nhiều khó khăn, thách thức, cả nước cần nỗ lực rất lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, phấn đấu hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn đại biểu TP. Đà Nẵng cho rằng, trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rất khó đoán định như hiện nay, Chính phủ cần quan tâm hơn đến vấn đề xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam. Năm 2021, khu vực FDI đóng góp 74 % tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh việc xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng cũng đang tạo ra nhiều bất trắc, tiềm ẩn cho nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh, thị phần xuất khẩu và tỷ trọng của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều được thực hiện bởi các doanh nghiệp FDI. Điều này phản ánh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Do vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID trong ngành Du lịch, trong đó cần làm rõ những vướng mắc, những hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp để khắc phục….
Trong khi đó, đại biểu Siu Hương - Đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo điều hành 6 nhóm vấn đề để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân. Cụ thể, đại biểu Siu Hương đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét, sửa đổi những văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến các vấn đề đang được cử tri quan tâm. Đó là học phí đại học, tăng giá sách giáo khoa, chậm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, định mức hỗ trợ chăm sóc bảo vệ rừng còn thấp, việc thực hiện Bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng...
Về phát triển hệ thống giao thông, đại biểu đề xuất Chính phủ xem xét tách giải phóng bằng thành một dự án độc lập đối với những dự án đầu tư Nhóm A; thực hiện tốt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đối với đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó có vùng Tây Nguyên, cần có sự phân bổ nguồn vốn hợp lý để phát triển các sản phẩm hàng hóa, phát triển dịch vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045...