Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn với nhóm vấn đề lao động, việc làm, xã hội

Việt Hoàng

Ngày 11/11, Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các thành viên Chính phủ có liên quan trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề lao động, việc làm và các vấn đề xã hội. Sau đó, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về 02 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung  trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp chiều ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời về các nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi như: giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm; giải pháp đơn giản hóa thủ tục để triển khai hiệu quả việc hỗ trợ người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; kết quả triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động tự do; khắc phục tình trạng phát nhầm, nhận nhầm; quản lý các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện nhân đạo…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lực lượng lao động trở về quê trong đợt dịch thứ tư là tương đối lớn. Cụ thể, sau khi thống kê, rà soát, phân loại ban đầu thì con số chính thức lao động về quê khoảng 1,3 triệu người, chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam trở về.

Qua khảo sát và làm việc với các tỉnh phía Nam cho thấy khoảng 30% người dân các địa phương đã về quê có nhu cầu quay trở lại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam làm việc; 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở các địa bàn khác, còn lại phần đông là muốn ở lại quê. Tuy nhiên, trong số ở lại quê thì cũng chỉ có khoảng 40% muốn có công việc tại quê.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ đối với nhóm vấn đề lao động, việc làm, xã hội'.
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ đối với nhóm vấn đề lao động, việc làm, xã hội'.

Sau khi liên hệ và trao đổi với các địa phương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất các địa phương cùng với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận, vùng kinh tế trọng điểm thực hiện kết nối vận động, thuyết phục, giới thiệu người lao động quay trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động liên kết, kết nối với các địa phương khác, thậm chí ngay cả trong vùng để có thể giới thiệu việc làm; như tại Thanh Hóa đã giới thiệu người lao động về quê đi làm việc ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam. Hoặc như Quảng Trị, Quảng Nam đã tiếp nhận toàn bộ những công nhân nghề may và một số lĩnh vực khác cho công nhân làm việc tại địa phương mình. Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung triển khai các chính sách như: chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để hỗ trợ cho người lao động có thể ổn định, tạo công việc mới ở địa phương.

Trả lời nội dung liên quan đến kết quả triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động tự do, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, rút kinh nghiệm từ Nghị quyết số 42/NQ-CP, tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phải tạo ra sự linh hoạt cho địa phương.

Vì vậy, sau khi khảo sát, đánh giá, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất một chính sách, đó là chỉ quy định sàn mức hưởng cho lao động tự do, còn đối tượng và mức như thế nào là do địa phương xem xét, quyết định trên cơ sở ngân sách cũng như đối tượng cụ thể. Thực tiễn, nếu năm 2000, chúng ta chỉ hỗ trợ được 1 triệu người, thì với Nghị quyết số 68/NQ-CP đã có 56 tỉnh, thành phố báo cáo đã hỗ trợ cho 12,99 triệu lao động tự do, kinh phí tới 16,99 nghìn tỷ đồng. 

Giải trình về lý do chính sách hỗ trợ chưa đồng đều, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đó là quy định chính sách, ngân sách của từng địa phương, người lao động có nằm trong nhóm mà địa phương quy định hay không. Bên cạnh đó, phải kể đến nguyên nhân có những địa phương ngân sách dự phòng không còn, do đó chưa hỗ trợ hoặc chậm hỗ trợ lao động tự do. Tới đây, sau khi tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có thể điều chỉnh những vấn đề chính sách cho phù hợp hơn.

Đối với nội dung Đại biểu nêu về công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trục lợi chính sách hỗ trợ trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tại các Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết số 116/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP đều có quy định rất cụ thể, phân công trách nhiệm cho người đứng đầu của tổ chức địa phương, của các ngành được phân công. 

Cụ thể, vấn đề liên quan đến chính sách vay cho người lao động thuộc trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng; liên quan đến toàn bộ gói hỗ trợ tiền mặt trách nhiệm chỉ đạo thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; liên quan hỗ trợ các gói về vay vốn và giải quyết việc làm cũng như bảo hiểm thì giao cho Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam...

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan bảo hiểm, ngân hàng tổ chức 12 đoàn kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trục lợi chính sách hỗ trợ tại 33 tỉnh, thành phố.

Qua kết quả kiểm tra cho thấy ở một số địa phương đã xảy tình trạng trục lợi. Cụ thể, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP đã phát hiện và xử lý 4 trường hợp ở 4 địa phương, trong đó có những địa phương cách chức cả Bí thư, Chủ tịch Mặt trận, Bí thư Đoàn Thanh niên vì lý do để người nhà trong danh sách hộ nghèo và danh sách hưởng chính sách. Đối với gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 2 trường hợp trục lợi chính sách, đưa người không thuộc đối tượng được hưởng vào danh sách để rút tiền trục lợi. Hiện nay, tất cả các địa phương đều quan tâm kiểm tra, giám sát, điều chỉnh. Theo Bộ trưởng “đây là điều không tránh được”, tuy nhiên về cơ bản các địa phương đã đảm bảo được công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Với nội dung được nhiều đại biểu quan tâm về vấn đề quản lý các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện nhân đạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về nguyên tắc, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia làm thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, gặp thiên tai, địch họa.

Nhà nước cũng quy định 2 cơ quan tham gia việc kiểm tra, giám sát hoạt động này là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, thì đây là 2 cơ quan đứng ra tổ chức các hoạt động này. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định cụ thể hoạt động huy động tiền thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức khác thế nào, khâu cấp phát ra sao.

Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 64/2008/NĐ-CP. Ngày 27/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP để thay thế. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, khi Nghị định số 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực, hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ sẽ đi vào nền nếp.