Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước
Tại phiên họp ngày 9/11, trong chương trình kỳ họp thứ 2, các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả thu ngân sách Nhà nước; cơ cấu ngân sách Nhà nước; chính sách thu ngân sách; chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tăng điều tiết ngân sách cho các tỉnh, thành bị thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19...
Theo đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn đại biểu Lào Cai), đã có nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các gói hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, so với yêu cầu và mặt bằng chung, các gói hỗ trợ, kích thích này chưa bảo đảm được tính toàn diện và bền vững.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần đánh giá căn cơ tổng nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế như thế nào để vượt ngưỡng khó khăn và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước, để từ đó đưa ra các gói kích thích kinh tế để lớn, đủ rộng trong khoảng thời gian đủ dài nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Theo đại biểu, thời gian tới công tác triển khai mục tiêu kép thì yếu tố nguồn lực là tiên quyết. Vì vậy, ngoài các nguồn lực hiện nay, đại biểu đề xuất có thể tăng thêm mức bội chi ngân sách.
Đại biểu Hà Đức Minh cho rằng, hiện nay, bội chi năm 2021 là gần 344 nghìn tỷ đồng, bằng 4% GDP; dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 là gần 373 nghìn tỷ cũng bằng khoảng 4%GDP. Trong khi đó, tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 dự kiến tối thiểu là 526 nghìn tỷ. Mặt khác, do các địa phương thường giao tăng chi đầu tư phát triển so với Trung ương giao nên dư địa bội chi theo luật là còn khoảng ít nhất là 153 nghìn tỷ.
Tiếp đó là có thể nâng mức nợ công. Hiện nay, trần nợ công của nước ta quy định ở mức khoảng 60% GDP, nhưng trên thực tế chỉ mới đạt khoảng 44-45% GDP. Như vậy, có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn để vừa chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân...
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh), trong làn sóng dịch lần thứ 4, TP. Hồ Chí Minh là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi thực hiện phương châm "ai ở đâu thì ở đấy", về cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố chỉ duy trì mức tối thiểu. Bình quân giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 0,7%) nghĩa là 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng.
Trước dự báo sẽ tăng trưởng âm 5% trong cả năm 2021, TP. Hồ Chí Minh đã xác định 4 giải pháp cần tập trung, khẩn trương thực hiện nhằm khắc phục hậu quả của COVID-19 phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đó là: tổng kết sâu sắc việc phòng, chống dịch COVID-19 hai năm qua để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kiểm soát tốt hơn nữa. Đối với TP. Hồ Chí Minh cần đưa số người nhiễm bình quân 1 ngày từ mức khoảng 1.000 xuống dưới 500 người, phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; cần hỗ trợ cho 430.000 người đã nhiễm COVID-19 và gia đình của hơn 16.600 người đã mất vì COVID-19 để họ có điều kiện phục hồi sức khỏe và điều kiện sống và làm việc. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ để thu hút trở lại 300.000 lao động đã trở về quê hoặc bổ sung đáp ứng nhu cầu lao động của Thành phố; hỗ trợ các doanh nghiệp để khôi phục nhanh chóng sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sau gần 4 tháng ngưng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp ở không có thu nhập, không có tiền mua nguyên liệu, vật tư cho giai đoạn sản xuất sắp tới, không có tiền để trả lương cho người lao động khi chưa tiêu thụ sản phẩm, không có tiền để trả tiền điện, tiền nước, trả chi phí vận tải… Đại biểu kiến nghị nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta đã chi hơn 100.000 tỷ đồng, dự kiến còn 100.000 tỷ đồng, số tiền 100.000 tỷ đồng này có thể từ nguồn đầu tư công vẫn chưa dùng hết. Từ phân tích này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển 100.000 tỷ đồng đầu tư công không chi hết năm nay sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch, giúp các doanh nghiệp tăng tốc trong thời gian tới...