Quốc tế ấn tượng với cam kết đạt phát thải ròng bằng '0' của Việt Nam
Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26 đã thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế.
Ngày 1/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26 tại TP. Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế.
Trong bài báo ra cùng ngày, hãng thông tấn Reuters đăng tiêu đề nổi bật về cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. "Việt Nam đang hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050, gia nhập hàng ngũ với nhiều quốc gia khác đã cam kết ngừng phát thải vào giữa thế kỷ này hoặc sau đó nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu", bài viết có đoạn.
“Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi "công bằng và bình đẳng" từ các nước phát triển trong giải quyết biến đổi khí hậu. Việt Nam cho biết họ cần vốn, công nghệ và chuyên môn từ các nhà đầu tư toàn cầu để đạt được các mục tiêu năng lượng sạch đầy tham vọng”, phóng viên Reuters viết.
Bài viết cũng dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại một hội nghị bàn tròn bên lề COP26, khẳng định Việt Nam sẽ bắt tay vào cắt giảm sản lượng nhiệt điện than, đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất phát điện từ gió và năng lượng mặt trời lên 31-38 gigawatt vào năm 2030.
Ngày 2/11, tờ Thời báo Kuwait có bài viết với tựa đề “Việt Nam thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để đạt phát thải ròng bằng 0” trước năm 2050.
Bài báo dẫn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, phát triển bền vững và thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng, do đó đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.
Bài báo nêu những điểm nhấn trong phát biểu của Thủ tướng, trong đó ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi thiên nhiên phải là ưu tiên hàng đầu của mọi chính sách phát triển, đồng thời là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cá nhân.
“Ông kêu gọi tất cả các nước thiết lập các cam kết mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt”, bài báo viết.
Báo Financial Times trong ngày 2/11 cũng liệt kê Việt Nam nằm trong những nước đặt mục tiêu tham vọng và rõ ràng về cắt giảm khí thải, bên cạnh Ấn Độ hay Brazil.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ giảm lượng khí thải ròng xuống mức 0 vào năm 2070, trễ hơn 20 năm so với Việt Nam, nhưng Ấn Độ là nước gây ô nhiễm lớn thứ 3 thế giới. Brazil lại đặt mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải trong thập kỷ này.
Khẳng định quan hệ với các nước
Sau cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu (COP26) tại Glasgow, Anh vào ngày 1/11 vừa qua, hôm 2/11, Thủ tướng Australia đã ra thông cáo báo chí về cuộc gặp này, trong đó đánh giá cao mối quan hệ với Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 2/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định, ông rất vui khi được gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bên lề Hôi nghị COP26. Thủ tướng Morrison cho biết, Australia và Việt Nam chia sẻ quan hệ Đối tác chiến lược năng động, dựa trên quan hệ chặt chẽ về kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân.
Đồng thời, hai nước cũng chia sẻ cam kết về thương mại và đầu tư, tự do hóa và kết nối kinh tế. Thủ tướng Morrison khẳng định, quan hệ giữa hai nước đã mở ra một chương mới khi hai bên ký Tuyên bố chung về Cam kết hành động thiết thực về khí hậu và ra mắt Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Australia-Việt Nam.
Australia và Việt Nam đã cùng nhau thảo luận về tầm quan trọng của cách tiếp cận thực tế đối với những hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với hoàn cảnh riêng của mỗi nước. Tuyên bố chung giữa hai nước về Cam kết hành động thiết thực về khí hậu, thể hiện cách tiếp cận tập trung vào kết quả của hai nước đối với COP26 và sự tập trung của 2 quốc gia vào những nỗ lực thiết thực, nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu, bao gồm các lĩnh vực hợp tác khi hai nước chuyển sang một tương lai phát thải thấp.
Thủ tướng Morrison nhấn mạnh, Australia và Việt Nam cam kết thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, tập trung vào thích ứng và khả năng phục hồi và đạt được tham vọng về việc đưa mức phát thải ròng về "0". Hai nước sẽ cùng loại bỏ các thách thức về năng lượng và khí hậu trong khi vẫn hỗ trợ an ninh năng lượng.
Thủ tướng Morrison cũng bày tỏ vui mừng khi hai nước hoàn thành Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế. Là một cam kết trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược, chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế đưa ra một lộ trình chi tiết để thực hiện tham vọng của hai nước về việc trở thành đối tác kinh tế lớn thứ 10 của nhau và tăng gấp đôi đầu tư 2 chiều.
Ngoài ra, trên trang Twitter, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cũng đăng dòng trạng thái “Ấn Độ và Việt Nam tái khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược bên lề COP26” khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc trao đổi hữu ích tại Hội nghị lần này.