Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã tròn sứ mệnh
(Tài chính) Trong hơn 1 năm qua, giá xăng dầu trong nước được điều hành nhịp nhàng, linh hoạt, không gây sốc cho nền kinh tế cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, tuy nhiên thực tế vừa qua giá mặt hàng nhạy cảm này vẫn được thực hiện linh hoạt theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước- người dân và doanh nghiệp (DN).
Trong 7 tháng đầu năm, giá xăng dầu thế giới liên tục biến động và tăng ở mức cao. Trong 16 lần điều hành (tính đến thời điểm ngày 18/7), có 8 lần Liên Bộ Tài chính- Công Thương cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG); giá một số chủng loại xăng, dầu trong nước cơ bản được giữ ổn định hoặc giảm trong 8 lần điều hành. Trong đó, giá xăng được điều chỉnh tăng 5 lần.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, trong nhiều thời điểm xu hướng tăng là chủ yếu và dao động ở mức cao. Để góp phần bình ổn giá bán trong nước, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt theo cơ chế thị trường đồng thời sử dụng các công cụ tài chính nhằm hạn chế mức tăng giá. Khi có dư địa giảm giá, Liên Bộ đã lập tức yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối rà soát để giảm giá bán trong nước cho phù hợp.
Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, để chia sẻ hài hòa lợi ích người tiêu dùng, DN, Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối chia sẻ thông qua việc tạm thời chưa tính hoặc chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở của một số mặt hàng xăng dầu (thấp hơn mức 300 đồng/lít theo quy định). Liên Bộ đã cho phép sử dụng Quỹ BOG trong 8 lần điều hành. Với kết quả này, giá một số chủng loại xăng, dầu trong nước cơ bản được giữ ổn định hoặc giảm trong 8 lần điều hành. Giá một số chủng loại xăng dầu chỉ được điều chỉnh tăng 5 lần, nhưng hầu hết có mức tăng kiềm chế do kết hợp sử dụng Quỹ BOG hoặc giảm một phần lợi nhuận định mức của DN. Khi giá thế giới bình quân giảm, Liên Bộ đã yêu cầu các DN rà soát phương án để giảm cho phù hợp với quy định hiện hành, như giảm giá dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madut.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giá xăng dầu đã được điều hành linh hoạt, nhịp nhàng với chu kỳ tính giá là 10 ngày và chu kỳ lưu thông 30 ngày. Về thời điểm điều chỉnh giá gần đây nhất vào ngày 23/6 và 7/7 với mức tăng tổng cộng hơn 700 đồng/lít xăng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, mức tăng giá đã được kiềm chế do kết hợp sử dụng Quỹ BOG. Trong đợt điều chỉnh tăng giá ngày 7/7, do sử dụng Quỹ BOG 500 đồng nên giá xăng chỉ tăng tối đa 418 đồng/lít, thay vì điều chỉnh tăng 918 đồng/lít xăng.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhiều lần khẳng định, cần thiết phải thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Thị trường xăng dầu hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới, cho nên có những lúc tăng cao nhưng giảm chậm. Tuy nhiên, với việc sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành như trích, xả Quỹ BOG; cắt giảm lợi nhuận định mức của DN... đã giảm, giãn tần suất điều chỉnh giá, tránh gây sốc cho nền kinh tế. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc điều hành giá xăng dầu cần phải đảm bảo lợi ích vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời ưu tiên lợi ích của người tiêu dùng trước, sau đó đến lợi ích của DN rồi đến Nhà nước.
Công khai để dân giám sát
Trong những tháng đầu năm 2014, giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm có xu hướng tăng. Trong nhiều lần điều hành, liên Bộ Tài chính- Công Thương đã cho phép DN tăng mức trích quỹ để giữ ổn định giá bán. Theo Bộ Tài chính, nếu điều chỉnh tăng giá thì mức điều chỉnh mỗi lần sẽ phải tăng tương đương với mức sử dụng quỹ Bình ổn giá; hoặc mức cắt giảm lợi nhuận định mức.
Trên thực tế, mặc dù số dư của Quỹ Bình ổn giá có lúc tăng, lúc giảm, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, về cơ bản, Quỹ đã làm tròn sứ mệnh bình ổn giá xăng dầu. Trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà nước- người dân và DN, trong trường hợp yêu cầu nguyên giá bán dù giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ, cùng với việc DN tạm ngừng trích khoản lợi nhuận định mức, việc tăng/giảm mức trích vào quỹ, tăng/giảm mức sử dụng quỹ đã góp phần giữ giá xăng dầu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời” ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, Quỹ BOG được trích lập vào một khoản tiền cụ thể nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu, nghĩa là được hình thành từ tiền của người sử dụng xăng dầu nên việc công khai là hoàn toàn phù hợp. Công khai Quỹ BOG sẽ tạo điều kiện để các DN và người dân giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ cũng như giám sát việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, lời hứa của người đứng đầu ngành Tài chính đã được thực hiện ngay sau đó. Kể từ đầu tháng 7/2013, Bộ Tài chính chính thức công khai tình hình trích lập, sử dụng và số dư Quỹ BOG xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, việc trích Quỹ BOG là nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện BOG xăng dầu góp phần vào việc bình ổn mặt bằng giá nói chung, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế, chỉ phục vụ mục tiêu BOG thị trường trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao và không sử dụng vào mục đích nào khác. Thời gian gần đây, có ý kiến cho rằng Quỹ BOG cần chia sẻ hơn nữa với người dân nhằm “kìm” giá xăng dầu. Tuy nhiên, những lo ngại về tình hình bất ổn tại một số quốc gia có nguồn cung chủ yếu trên thế giới khiến giá xăng dầu có thể tăng cao vào cuối năm, nên cần đảm bảo nguồn Quỹ dự trữ để có nguồn lực tài chính BOG xăng dầu.
Việc giám sát Quỹ cũng được Bộ Tài chính coi trọng. Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh; tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG ở các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối và công khai kết quả kiểm tra trước công luận. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Quỹ BOG tại các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, một số kiến nghị liên quan đến điều chỉnh số liệu trích lập tại một số DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, Bộ đã chủ động đề nghị các đơn vị điều chỉnh theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời liên quan đến một số kiến nghị về điều chỉnh chính sách Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều hội thảo và lấy ý kiến của các DN kinh doanh xăng dầu cũng như các chuyên gia để từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách về điều hành giá...
Theo Bộ Tài chính, thông qua việc công khai Quỹ BOG đã tạo điều kiện để các DN và người dân giám sát việc quản lý, sử dụng Quỹ cũng như giám sát việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường mà Chính phủ và các bộ, ngành đang kiên trì thực hiện.