Quy định mới của Luật Hải quan sửa đổi: Tạo nhiều thuận lợi về thủ tục hải quan

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Với mục đích tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, giảm chi phí, giúp doanh nghiệp (DN) chủ động tính toán trước hiệu quả kinh doanh... Luật Hải quan sửa đổi đã luật hóa chế độ ưu tiên, quy định rõ việc xác định trước mã, xuất xứ, trị giá hải quan, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia.

Luật Hải quan sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo nhiều thuận lợi hơn về thủ tục hải quan. Nguồn: baohaiquan.vn
Luật Hải quan sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo nhiều thuận lợi hơn về thủ tục hải quan. Nguồn: baohaiquan.vn

Luật hóa chế độ ưu tiên

Để khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế, quản trị doanh nghiệp tốt; đồng thời để tạo tiền đề thực hiện việc công nhận chế độ ưu tiên giữa các quốc gia như hải quan các nước theo các Hiệp định ký kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, Luật đã bổ sung 1 mục gồm 4 Điều (42, 43, 44, 45) quy định về chế độ ưu tiên đối với DN.

Theo đó, các chế độ ưu tiên quy định tại Điều 43 gồm: Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật; Được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan; Được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế.

Bên cạnh đó, Luật Hải quan sửa đổi cũng quy định cụ thể điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên (Điều 42), việc áp dụng chế độ ưu tiên đối với các DN thuộc các quốc gia có ký thỏa thuận với Việt Nam công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên; quyền, trách nhiệm của cơ quan Hải quan (Điều 44), của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên (Điều 45).

Phân tích điểm mới này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, thực tế thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã áp dụng chế độ ưu tiên với một số DN. Tuy nhiên, quy định này chưa được Luật hóa mà mới chỉ quy định ở Thông tư hướng dẫn. Vì vậy, việc đưa quy định này vào trong Luật sẽ tạo cơ sở để chương trình DN ưu tiên được mở rộng hơn, đặc biệt trong thời gian tới, khi mà việc áp dụng chế độ ưu tiên đối với các DN thuộc các quốc gia có ký thỏa thuận với Việt Nam công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên sẽ tạo thuận lợi và hỗ trợ rất lớn cho các DN ưu tiên trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Giúp DN chủ động tính toán trước hiệu quả kinh doanh

Tại Điều 28 Luật Hải quan sửa đổi quy định cụ thể về xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá. Theo đó, trường hợp người khai hải quan đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu, người khai hải quan cung cấp thông tin, chứng từ liên quan, mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tài liệu kỹ thuật liên quan cho cơ quan Hải quan để cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan.

Kết quả xác định trước được cơ quan Hải quan thông báo bằng văn bản, có giá trị pháp lý để cơ quan Hải quan làm thủ tục hải quan khi hàng hóa thực xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với thông tin, chứng từ liên quan, mẫu hàng hóa mà người khai hải quan đã cung cấp.

Luật cũng quy định việc giải quyết đối với trường hợp người khai hải quan không đồng ý với kết quả xác định trước (khoản 3 Điều 28); quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan liên quan đến xác định trước trong lĩnh vực hải quan (Điều 18).

Theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh, đây là chuẩn mực quốc tế về tạo thuận lợi thương mại, giúp DN chủ động tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ. Không chỉ có thế, quy định này còn giúp cơ quan Hải quan tăng hiệu quả quản lý khi thực hiện thủ tục thông quan cho hàng xuất nhập khẩu, hạn chế các trường hợp tranh chấp giữa DN và cơ quan Hải quan về việc áp mã, xác định giá tính thuế, xuất xứ hàng hoá khi làm thủ tục thông quan.

Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện theo cơ chế một cửa quốc gia

Tại Điều 4 của Luật bổ sung khái niệm “cơ chế một cửa quốc gia”, theo đó "Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.”

Phân tích quy định này, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cho biết, quy định này có nghĩa là, người khai hải quan chỉ cần ngồi 1 chỗ và tích hợp các thông tin, sau đó các thông tin này được truyền tới cơ quan Hải quan, DN chỉ cần đến cửa khẩu để nhận hàng. Việc này kết hộ với việc sử dụng chữ ký số sẽ là tiếp kiệm rất lớn về thời gian, tiền bạc và chi phí cho DN.

Quy định này cũng là để tạo cơ sở pháp lý thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, tại Điều 24 quy định trách nhiệm các Bộ, ngành trong việc gửi giấy phép xuất nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp.