Thị trường Upcom hướng tới minh bạch hóa thông tin
Ngày 24/6/2009, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã khai trương thị trường giao dịch chứng khoán dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM). Sau gần 7 năm đi vào hoạt động, thị trường UPCoM đã thực sự “bùng nổ” về số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch (ĐKGD), quy mô giao dịch, quy mô vốn hóa… Tạp chí Chứng khoán đã phỏng vấn ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc HNX về những nỗ lực của HNX trong quá trình vận hành cũng như định hướng phát triển của thị trường UPCoM trong tương lai.
Thưa ông, xin ông đánh giá khái quát về bức tranh chung của thị trường UPCoM sau gần 7 năm đi vào hoạt động?
Tính đến thời điểm 01/6/2016, thị trường UPCoM đã có 303 doanh nghiệp ĐKGD. Nếu so sánh với con số 30 doanh nghiệp của năm 2009 thì số lượng doanh nghiệp ĐKGD trên sàn tăng gấp hơn 10 lần.
Đặc biệt, trong 3 năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp ĐKGD trên thị trường UPCoM tăng với tốc độ khá nhanh (năm 2014 tăng 17% so với năm 2009; năm 2015 tăng 51% so với năm 2009 và trong 5 tháng đầu năm 2016 tăng 17% so với 5 tháng đầu năm 2015).
Quy mô vốn hóa thị trường đạt xấp xỉ 110 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 25 lần so với vốn hóa tại thời điểm cuối năm 2009), gần đạt đến con số 120 nghìn tỷ đồng về quy mô vốn hóa trên thị trường niêm yết của HNX.
Theo đó, mức vốn hóa trên UPCoM tăng mạnh trong 3 năm qua với mức tăng lần lượt là 44% (năm 2014), 63% (năm 2015) và 78% (tính đến hết tháng 5/2016). Cho đến nay, thanh khoản trên thị trường UPCoM khá sôi động, giá trị giao dịch (GTGD) bình quân năm 2015 tăng 179% so với năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2016 tăng 130% so với cả năm 2015.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ĐKGD trên thị trường UPCoM thực hiện công bố thông tin (CBTT) ngày càng minh bạch hơn so với trước đây. Tính đến nay, trên 50% các doanh nghiệp trên UPCoM đã đăng ký CBTT tự động trên Hệ thống Quản lý Thông tin Công ty (CIMS) của HNX.
Sau 7 năm hoạt động, UPCoM đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời giúp các công ty đại chúng làm quen với các quy định về CBTT trên thị trường chứng khoán (TTCK) trước khi chính thức lên thị trường cổ phiếu niêm yết. Hàng hóa trên UPCoM ngày càng đa dạng về ngành nghề, quy mô vốn và ngày càng có nhiều hàng hóa chất lượng tham gia thị trường.
Ông có thể cho biết sự cải thiện của thị trường UPCoM trong thời gian gần đây được xuất phát từ đâu?
Có thể khẳng định thị trường UPCoM thực sự bùng nổ trong thời gian gần đây là nhờ vào các chính sách của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng như sự nỗ lực không ngừng của HNX, sự quan tâm của doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với thị trường.
Thứ nhất, từ năm 2014 đến nay, nhiều văn bản quan trọng có tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường UPCoM đã được ban hành như Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2015/TT-BTC ngày 05/1/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết.
Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa (CPH) phải tham gia thị trường UPCoM trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cụ thể hóa quy định bắt buộc các công ty đại chúng đã chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng chưa niêm yết hoặc đã hủy niêm yết phải tham gia thị trường có tổ chức.
Tiếp sau đó, năm 2015 trên cơ sở Nghị định 60/2015/NĐ-CPcủa Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015, theo đó rút ngắn thời gian doanh nghiệp sau khi CPH trong phạm vi 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo xác nhận kết quả chào bán của UBCKNN phải hoàn tất thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và phải đưa cổ phiếu lên ĐKGD trên thị trường UPCoM.
Các chính sách này đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào thị trường UPCoM, từ đó góp phần tăng tính hấp dẫn cho thị trường này. Ngoài ra, với những quy định mới của Thông tư 52/2012/TT-BTCvà Thông tư 155/2015/TT-BTC, các doanh nghiệp ĐKGD trên thị trường UPCoM và đặc biệt là công ty đại chúng lớn phải thực hiện CBTT tương tự như với doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên thị trường chứng khoán (TTCK). Điều này đã giúp cho việc CBTT trên thị trường UPCoM ngày càng được cải thiện.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, quảng bá được thực hiện tốt giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn nghĩa vụ và lợi ích khi tham gia thị trường và nhà đầu tư thay đổi cái nhìn về hàng hóa trên thị trường này. Do đó, thời gian gần đây, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã trở nên quan tâm hơn đến thị trường UPCoM.
UPCoM giờ đây đã trở thành một thị trường tương đối hấp dẫn bên cạnh thị trường niêm yết. Hiện nay, thị trường UPCoM đang trong giai đoạn phát triển rất tốt và hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, tạo tiền đề để thị trường niêm yết phát triển.
Thứ ba, những nỗ lực từ phía HNX để mang lại nhiều giải pháp hỗ trợ giao dịch trên thị trường UPCoM, như: trong thời gian vừa qua đã kiến nghị UBCKNN và Bộ Tài chính nới biên độ dao động giá lên ±15% thay vì ±10% như trước đây; tiến hành phân nhóm cổ phiếu; minh bạch thông tin của doanh nghiệp ĐKGD trên UPCoM qua hệ thống CBTT CIMS của HNX; đơn giản thủ tục, thời gian chấp thuận ĐKGD…
Ngoài ra, để thúc đẩy thị trường UPCoM phát triển, HNX đã và đang thực hiện một số giải pháp, như: mở rộng hệ thống CIMS đến tất cả các doanh nghiệp Top đầu trên UPCoM để tiến hành CBTT giúp thị trường minh bạch hơn, đồng thời để các doanh nghiệp trên UPCoM có thói quen CBTT đầy đủ theo quy định và đều đặn hơn.
Tiếp đó, chúng tôi đang học tập những kinh nghiệm mà Sở đã áp dụng trên thị trường niêm yết vào thị trường UPCoM như chấm điểm CBTT và minh bạch đối với những doanh nghiệp Top đầu trên thị trường UPCoM, đồng thời thực hiện phân bảng thị trường UPCoM.
Ngày 9/5/2016, HNX đã chính thức ban hành 2 bộ nguyên tắc phân bảng trên hệ thống giao dịch UPCoM bao gồm phân bảng UPCoM Premium và phân bảng Cảnh báo nhà đầu tư.
Xin ông cho biết HNX có kỳ vọng gì sau khi hai bộ nguyên tắc phân bảng trên hệ thống giao dịch UPCoM được áp dụng?
Với một lượng doanh nghiệp ĐKGD khá lớn trên thị trường UPCoM như hiện nay, để tìm kiếm được những doanh nghiệp tốt để đầu tư và tránh những doanh nghiệp có nguy cơ cao (những doanh nghiệp chưa CBTT đầy đủ hoặc có tình hình tài chính cần lưu ý) thì nhà đầu tư cũng mất rất nhiều thời gian mà chưa hẳn đã tránh được rủi ro bởi vì số lượng doanh nghiệp thực hiện CBTT theo quy định trên thị trường UPCoM không nhiều so với các DNNY.
Chính vì vậy, khi nhận được chủ trương của cơ quan quản lý (UBCKNN), thị trường UPCoM được HNX phân thêm 2 bảng: Bảng UPCoM chất lượng cao (UPCoM Premium) và Bảng Cảnh báo nhà đầu tư.
Bảng UPCoM Premium bao gồm các doanh nghiệp thỏa mãn được những tiêu chí về quy mô, về năng lực kinh doanh, tức là kinh doanh phải có lãi, CBTT tương đối tuân thủ theo các quy định và thanh khoản đảm bảo.
Còn Bảng Cảnh báo nhà đầu tư bao gồm một số doanh nghiệp trên thị trường UPCoM bị hạn chế giao dịch mà chỉ giao dịch vào thứ 6 hàng tuần và kể cả các cổ phiếu trên sàn này bị tạm ngừng giao dịch vì những lý do như không tìm được địa chỉ trụ sở chính, không liên lạc được, đặc biệt là những doanh nghiệp bắt buộc bị hủy giao dịch tại thị trường niêm yết trên 2 SGDCK (HOSE và HNX) chuyển xuống UPCoM, để nhà đầu tư lưu ý lựa chọn doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nhà đầu tư phải hiểu cho thấu đáo về việc phân bảng này không có hàm ý rằng tất cả các doanh nghiệp trên Bảng UPCoM Premium đều tốt mà quyết định đầu tư vẫn là do chính các nhà đầu tư cân nhắc và quyết định. Trong Bảng UPCoM Premium cũng có khả năng để lọt những doanh nghiệp bề ngoài rất tốt nhưng bản chất không còn tốt nữa.
Ngược lại, Bảng Cảnh báo nhà đầu tư bao gồm các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng mà nhà đầu từ nên cẩn thận khi đầu tư vào những mã cổ phiếu nằm trong bảng này. Cảnh báo ở đây có hàm ý rằng nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào các cổ phiếu của doanh nghiệp trên bảng này cần phải tìm hiểu kỹ hoạt động của doanh nghiệp, nếu thực sự tin tưởng và có thể phải chấp nhận rủi ro thì hãy đầu tư.
Ở đây không phải cơ quan quản lý đánh giá những doanh nghiệp trong bảng này là hoạt động yếu kém, mà đơn thuần chỉ là những doanh nghiệp đang vi phạm nghĩa vụ CBTT hoặc tình hình tài chính có vấn đề cần lưu ý.
Việc phân tách các nhóm cổ phiếu thông qua tình trạng sức khỏe doanh nghiệp theo bảng trên thị trường UPCoM sẽ góp phần thúc đẩy tính minh bạch, hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Ngoài ra, bên cạnh các chính sách gắn đấu giá, cổ phần hóa với niêm yết/ĐKGD, việc thực hiện phân thêm 2 bảng trên thị trường UPCoM được công chúng đầu tư đánh giá sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường UPCoM phát triển, đồng thời cùng với những nỗ lực liên tục của HNX để nâng cao thanh khoản và sức hút của UPCoM sẽ làm tăng tính hấp dẫn của thị trường, hỗ trợ và định hướng tốt hơn cho các đối tượng tham gia thị trường.
Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, thị trường UPCoM sẽ là nguồn hàng tốt và tiềm năng để đưa hàng hóa trên thị trường UPCoM vào thị trường niêm yết trong tương lai.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được trên thị trường UPCoM, ông có thể chia sẻ những trăn trở của bản thân cũng như các lãnh đạo HNX để thị trường UPCoM phát triển hơn trong thời gian tới?
Nhìn nhận một cách khách quan, sự phát triển của thị trường UPCoM trong vài năm gần đây có sự tác động rất lớn từ cơ chế chính sách mở của Nhà nước.
Chính vì vậy, điều mà chúng tôi trăn trở trong thời gian tới đây là làm thế nào để thị trường UPCoM nâng cao tính thanh khoản để khai thác được tiềm năng của nó?
Làm thế nào để nâng cao chất lượng CBTT và minh bạch, không chỉ riêng đối với những doanh nghiệp trên thị trường UPCoM mà ngay cả đối với các cổ đông và những người tham gia thị trường này?
Làm thế nào để xóa bỏ được định kiến về một thị trường UPCoM không minh bạch để khi nghĩ đến UPCoM người ta nghĩ ngay đến một thị trường có tổ chức, có quản lý, có phân biệt các doanh nghiệp thực hiện CBTT tốt và chưa tốt theo nghĩa vụ?
Chúng tôi hy vọng trong 1 đến 2 năm tới, khi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh CPH DNNN, đồng thời nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm cơ hội sinh lợi trên thị trường UPCoM thì thị trường này sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!