Quy định mới về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật

PV.

Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2017, Thông tư số 42/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 28/4/2017 đã quy định cụ thể quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 – 2020. Thông tư này áp dụng đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật và báo chí.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tư số 42/2017/TT-BTC nêu rõ, nội dung chi và mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, mức hỗ trợ thành viên tham gia không phân biệt đối tượng hưởng lương và không hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN).

Nội dung chi bao gồm: Tổ chức các hội thảo, hội nghị nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, tập huấn bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật, trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm báo hiện đại; chi tổ chức trại sáng tác, thâm nhập thực tế nhằm sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật/báo chí hoặc trao đổi, tọa đàm, tiếp nhận thông tin, nâng cao nghiệp vụ.

Đối với các đối tượng hưởng lương từ NSNN và được Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016-2020 thì không được thanh toán tiền công tác phí từ nguồn kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị nơi công tác.

Về thời gian tổ chức hội thảo, tập huấn, đi thực tế sáng tác, Thông tư quy định, thời gian tổ chức hội thảo không quá 3 ngày; thời gian tổ chức tập huấn không quá 7 ngày và thời gian tổ chức 1 đợt đi thực tế không quá 15 ngày.

Đối với chi tổ chức hội thảo khoa học sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật/báo chí, nội dung và mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán, quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng NSNN.

Trường hợp chi mua tư liệu, tài liệu cập nhật thông tin mới phục vụ hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật/báo chí, mua vật tư, thuê máy móc, thiết bị phục vụ trực  tiếp các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị, đợt đi thực tế sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật/báo chí thực hiện theo hợp đồng thực tế và các quy định của Luật Đấu thầu…

Trường hợp chi hỗ trợ thành viên tham gia các lớp tập huấn, nội dung và mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ NSNN dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức.

Về phương thức hỗ trợ, đối với hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật và hoạt động hỗ trợ báo chí thực hiện theo quy định tại Điều 5 và Điều 8 Thông 16/2016/TT-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 25/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 - 2020.

Căn cứ nhiệm vụ được giao, tình hình thực tế thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các Hội, phạm vi nguồn kinh phí hỗ trợ của Hội, các cấp Hội xây dựng mức chi cụ thể tại “Quy chế chi tiêu hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, báo chí giai đoạn 2016-2020” (Quy chế chi tiêu hỗ trợ), đảm bảo mức chi tối đa không vượt quá các quy định về định mức, chế độ chi tiêu hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này.