Quy định mới về xử lý nợ khi chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước


(Taichinh) - Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015, Thông tư số 57/2015/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 24/4/2015 thay thế Thông tư số 36/2006/TT-BTC với nhiều quy định mới, tạo thuận lợi cho việc xử lý các khoản nợ khi chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, các vấn đề về bàn giao, tiếp nhận xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể. Những vướng mắc trong xử lý nợ, tiếp nhận nợ sẽ được giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu.

Với việc ban hành Thông tư số 57/2015/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định cụ thể đối tượng trực tiếp áp dụng là Công ty TNHH Mua bán npj Việt Nam (DATC); Các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, có nợ phải thu và tài sản loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp thuộc diện bàn giao cho DATC bao gồm: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con (kể cả ngân hàng thương mại nhà nước); Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là Bộ quản lý ngành), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chưa chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Các bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, các khoản nợ và tài sản bàn giao, tiếp nhận phải đảm bảo có đầy đủ hồ sơ, có hiện vật (đối với tài sản). Trường hợp nợ và tài sản không có đủ hồ sơ, không còn hiện vật thì Công ty Mua bán nợ có văn bản thông báo gửi đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp biết lý do không tiếp nhận để doanh nghiệp tiếp tục quản lý, theo dõi hoặc xử lý theo quy định hiện hành về sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng quy định, việc bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ được thực hiện căn cứ vào quyết định công bố trị doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố điều chỉnh giá trị doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa ký Biên bản giao nhận nợ và tài sản loại trừ với DATC thì thực hiện bàn giao nợ và tài sản loại trừ theo quyết định công bố điều chỉnh giá trị doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp đã ký Biên bản giao nhận nợ và tài sản loại trừ với DATC theo quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố giá trị doanh nghiệp có văn bản đề nghị DATC thông báo hiện trạng của các khoản nợ và tài sản đã tiếp nhận theo Biên bản giao nhận theo tiêu chí: đã xử lý, thu hồi và chưa xử lý, thu hồi trước khi công bố quyết định điều chỉnh giá trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản, đại diện chủ sở hữu, DATC và doanh nghiệp phải lập Biên bản giao nhận, có chữ ký xác nhận của các bên có liên quan. Đại diện chủ sở hữu có thể ủy quyền (bằng văn bản) cho doanh nghiệp có nợ và tài sản loại trừ để thực hiện bàn giao cho DATC. DATC kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của chủ nợ, chủ tài sản theo quy định kể từ ngày ký Biên bản giao nhận. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký Biên bản giao nhận, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo với khách nợ về việc chuyển giao quyền chủ nợ cho DATC.

DATC thực hiện các hình thức xử lý nợ và tài sản tiếp nhận theo quy định tại Điều lệ và Quy chế quản lý tài chính của Công ty, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và phù hợp với các quy định hiện hành đối với từng hình thức xử lý nợ và tài sản. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất thì việc xử lý phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với tài sản (bao gồm cả tài sản đảm bảo khoản nợ) có giá trị còn lại trên sổ sách kế toán từ 100 triệu đồng trở lên, Công ty Mua bán nợ thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá để tổ chức bán tài sản theo phương thức đấu giá theo quy định.

Đối với tài sản có giá trị còn lại trên sổ sách kế toán dưới 100 triệu đồng, DATC quyết định lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận theo giá không thấp hơn giá thị trường.

Thông tư nêu rõ, DATC thực hiện quản lý tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản tiếp nhận theo quy định tại Điều lệ, Quy chế tài chính của Công ty và quy định sau: Trích 30% số tiền từ thu hồi nợ, bán tài sản đã tiếp nhận để lại cho DATC sử dụng nhằm bù đắp các chi phí phát sinh có liên quan như chi phí định giá, đấu giá…

Trích 10% số tiền thu hồi nợ, bán tài sản tiếp nhận để chuyển trả doanh nghiệp nhằm bù đắp các chi phí quản lý, giữ hộ tài sản, thu hộ nợ.

Trường hợp đưa tài sản tiếp nhận vào khai thác (góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết, cho thuê) thì thanh toán chi phí giữ hộ tài sản theo thực tế kể từ ngày ký biên bản bàn giao nhưng không quá 10% giá trị thẩm định của tổ chức có chức năng thẩm định giá khi đưa tài sản vào khai thác.

Trường hợp thực hiện tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ mà nguồn thu không đủ để bù đắp chi phí, Công ty mua bán nợ sử dụng nguồn thu từ xử lý nợ và tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp sắp xếp, chuyển đổi phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để bù đắp trên cơ sở phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Số tiền còn lại nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo thời gian quy định tại Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp. Trường hợp số tiền phải nộp về Quỹ dưới 100 triệu đồng theo từng lần phát sinh, Công ty Mua bán nợ tập hợp và nộp về Quỹ theo tháng.

Đối với tiền thu từ thu hồi nợ, bán tài sản tiếp nhận DATC nhận được trước thời điểm 1/7/2015 thì thực hiện mức trích để lại cho Công ty Mua bán nợ là 20%.

Trường hợp đưa tài sản tiếp nhận vào khai thác (góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết; cho thuê) thì thanh toán chi phí giữ hộ tài sản theo thực tế kể từ ngày ký biên bản bàn giao nhưng không quá 10% giá trị thẩm định của tổ chức có chức năng thẩm định giá khi đưa tài sản vào khai thác.