Quy định phạm vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng có gì mới?
Ngân hàng nhà nước vừa ban hành Thông tư số 28/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2014/TT- NHNN hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư 28 bổ sung nội dung chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản ghi vào Giấy phép hoặc Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép.
Cụ thể, Thông tư bổ sung quy định nguyên tắc: “Sau khi được NHNN chấp thuận dưới hình thức cấp mới/cấp đổi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc cấp Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép trong đó có nội dung kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước, trên thị trường quốc tế trong phạm vi do NHNN quy định, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính tổng họp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện toàn bộ hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế trong phạm vi quy định tại Thông tư”.
Về phạm vi hoạt động ngoại hối cơ bản trong nước và quốc tế của ngân hàng thương mại, Thông tư 28 bổ sung vào Điều 5, Điều 6 Thông tư 21 một số hoạt động ngoại hối cơ bản trong nước và quốc tế như: Mở tài khoản thanh toán cho TCTD ở nước ngoài; Nhận tiền gửi có kỳ hạn của các TCTD nước ngoài; Thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ với tổ chức tài chính nước ngoài nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế rủi ro đối với họp đồng đã ký kết với khách hàng trong nước,...
Liên quan đến phạm vi hoạt động ngoại hối cơ bản trong nước và quốc tế của các TCTD phi ngân hàng, ngân hàng hợp tác xã, Thông tư 28 bổ sung quy định cụ thể phạm vi hoạt động ngoại hối của công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, ngân hàng hợp tác xã phù hợp với đặc thù của từng loại hình tổ chức…
Thông tư 28/2016/TT-NHNNcó hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/11/2016.