Quy định sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi
Nghị định số 24/2016/NĐ-CPquy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước vừa được Chính phủ ban hành, trong đó quy định sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.
Cụ thể, ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo thứ tự ưu tiên:
1- Tạm ứng cho ngân sách trung ương.
2- Tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh.
3- Gửi có kỳ hạn các khoản ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; trong đó, ưu tiên gửi tại ngân hàng thương mại có tính an toàn cao hơn, khả năng thanh khoản tốt hơn và có mức lãi suất cao hơn.
4- Mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.
Thời hạn sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tối đa không quá 1 năm đối với việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để tạm ứng cho ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh. Trường hợp ngân sách trung ương hoặc ngân sách cấp tỉnh khó khăn, nguồn thu không đáp ứng đủ các nhu cầu chi theo kế hoạch, được gia hạn tạm ứng với thời hạn tối đa không quá 1 năm; việc gia hạn tạm ứng do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở đề nghị của Kho bạc Nhà nước, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc như việc quyết định một khoản tạm ứng mới.
Trường hợp gửi tại ngân hàng thương mại hoặc mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ thì thời hạn sử dụng ngân quỹ nhà nước tối đa không quá 3 tháng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định đối với các khoản tạm ứng cho ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh. Định kỳ 6 tháng, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình tạm ứng ngân quỹ cho ngân sách nhà nước.
Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước quyết định đối với các khoản sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi gửi tại ngân hàng thương mại hoặc mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.