Mua sắm tài sản tập trung sẽ tiết kiệm cho ngân sách 30.000 tỷ đồng/năm

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Việc thí điểm mua sắm tài sản theo phương thức tập trung (PTTT) đã tiết kiệm cho NSNN hàng trăm tỷ đồng. Mớiđây,Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định áp dụngphương thứcmua sắm này trong cả nước. Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn, có hiệu lực từ ngày 10/4 tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Áp dụng 2 cách thức mua sắm

Thông tư số 35/2016/TT- BTC (TT35) của Bộ Tài chính hướng dẫn mua sắm TSNN theo PTTT nêu rõ các yêu cầu trong mua sắm tập trung (MSTT). Theo đó, việc mua sắm phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ, danh mục tài sản MSTT do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và công bố.

Việc mua sắm phải được thực hiện trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm và có hiệu quả. Đồng thời, các tài sản được mua sắm phải đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, phù hợp với yêu cầu, nội dung hoạt động và quá trình cải cách nền hành chính nhà nước.

Về cách thức thực hiện MSTT sẽ được thực hiện theo hai cách là ký thỏa thuận khung và ký hợp đồng trực tiếp.

Với cách ký thỏa thuận khung, đơn vị MSTT tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu. Sau khi ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn, các đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm, trực tiếp thanh toán và tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản cũng như chế độ bảo hành, bảo trì tài sản từ nhà thầu này.

Với cách thức ký hợp đồng trực tiếp, đơn vị MSTT tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng và thanh toán cho họ. Các đơn vị sử dụng tài sản chỉ việc tiếp nhận tài sản, hồ sơ tài sản và thực hiện chế độ bảo hành, bảo trì với nhà thầu đó.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm tài sản để phục vụ hoạt động các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp; mua vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng có trách nhiệm lập văn bản đăng ký MSTT gửi cơ quan quản lý cấp trên.

Các cơ quan này sẽ tổng hợp, gửi đơn vị MSTT để tập hợp nhu cầu và tiến hành mua sắm theo quy định.

Phải báo cáo hàng năm

Đơn vị MSTT phải đăng tải danh sách các nhà thầu được lựa chọn, thỏa thuận khung ký kết giữa nhà thầu và đơn vị MSTT, tài liệu mô tả chi tiết từng tài sản (tên, tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, mầu sắc, xuất xứ); mẫu hợp đồng mua sắm với từng loại tài sản trên Trang thông tin về TSNN của Bộ Tài chính (đối với tất cả các gói thầu MSTT) và Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan trung ương và tỉnh (đối với các gói thầu MSTT của các đơn vị này).

Ngoài ra, đơn vị MSTT phải công khai số lượng tài sản mua sắm, chủng loại tài sản, dự toán cũng như nguồn vốn để mua sắm. Thời gian thực hiện công khai chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày tổng hợp xong nhu cầu MSTT.

Đồng thời, đơn vị MSTT cũng phải có trách nhiệm thông báo bằng hình thức văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp gửi nhu cầu MSTT về. Cụ thể, đơn vị MSTT quốc gia gửi thông báo đến các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh. Đơn vị MSTT của bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh gửi thông báo đến các đơn vị đầu mối đăng ký MSTT.

Hàng năm, đơn vị MSTT có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện mua sắm của năm trước và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thông tư số 35/2016/TT- BTC hướng dẫn thực hiện việc mua sắm TSNN (hàng hóa, dịch vụ) theo PTTT. Riêng đối với quy trình thực hiện MSTT để áp dụng cho đơn vị MSTT thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.