Nghị định 25/2017/NĐ-CP:

Quy định về nội dung báo cáo tài chính nhà nước


Ngày 14/3/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính nhà nước.

Nghị định quy định cụ thể nội dung của từng loại báo cáo tài chính nhà nước như: Báo cáo tình hình tài chính nhà nước, Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước.
Theo đó, báo cáo tình hình tài chính nhà nước là báo cáo tài chính phản ánh thông tin về tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn của Nhà nước khi kết thúc kỳ báo cáo phạm vi cả nước hoặc tỉnh. Cụ thể báo cáo tình hình tài chính nhà nước gồm các nội dung sau:
- Tài sản của Nhà nước: Là toàn bộ tài sản của nhà nước giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng. Bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính, cho vay, các khoản phải thu, hàng tồn kho, tài sản cố định, xây dựng cơ bản dở dang và tài sản khác.
- Nợ phải trả của Nhà nước: Theo Nghị định số 25/2017 là toàn bộ nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và các khoản phải trả khác của đơn vị quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
- Nguồn vốn của Nhà nước: Nghị định 25/CP quy định gồm vốn hình thành tài sản, thặng dư lũy kế từ hoạt động tài chính nhà nước và nguồn vốn khác.
Nghị định quy định Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện phải được lập và gửi trước 30/6 năm tài chính tiếp theo. Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh phải được lập và gửi trước 01/10 năm tài chính tiếp theo. Còn Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc phải được trình Chính phủ chậm nhất là 14 tháng sau khi kết thúc năm tài chính.
Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính phải công khai thông tin tài chính nhà nước về: Tình hình tài sản của Nhà nước, nợ phải trả, nguồn vốn của Nhà nước, tình hình thu nhập, chi phí, lưu chuyển tiền tệ nhà nước.
Báo cáo tài chính nhà nước phải được công khai qua một hoặc một số hình thức như phát hành ấn phẩm, niêm yết, đăng trên cổng thông tin điện tử.
Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính huyện, tỉnh và báo cáo tài chính toàn quốc. Theo đó, đối với báo cáo tài chính toàn quốc, các cơ quan, đơn vị sau phải lập Báo cáo cung cấp thông tin tài chính của đơn vị mình hoặc do đơn vị mình quản lý: Cơ quan quản lý thu chi ngân sách trung ương, cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước trung ương.
Bộ Tài chính hướng dẫn các chỉ tiêu cụ thể của báo cáo tài chính nhà nước và một số điều theo quy định tại Nghị định này, kiểm tra, đôn đốc việc lập báo cáo tài chính nhà nước.
Mời Quý độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Nghị định số 25/2017/NĐ-CP.