PGS.,TS. Lê Xuân Trường:

Quy định về xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế giúp giảm nợ ảo cho ngân sách

PV. (T/h)

Để có cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng thuế, nhất là các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ đã đề xuất bổ sung một số quy định về khoanh nợ, xóa nợ, miễn tiền thuế, tiền chậm nộp. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế quan tâm. Tapchitaichinh.vn lược ghi ý kiến của PGS.,TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính bàn về nội dung này.

Quy định về xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua sẽ là một bước ngoặt lớn, giúp giảm nợ ảo cho ngân sách, giảm áp lực quản lý cho cơ quan thuế. Qua đó, cơ quan thuế sẽ tập trung được nguồn nhân lực vào công tác khác như thanh tra, kiểm tra chống thất thu.

Theo báo cáo kết quả công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế của Tổng cục Thuế, tỷ trọng nợ thuế trên tổng thu ngân sách đã giảm dần qua các năm; tỷ lệ nợ có khả năng thu trên tổng thu ngân sách cũng đã giảm mạnh. Kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn ngành Thuế trong thời gian qua.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá công tác quản lý nợ của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, nợ thuế vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng, chủ yếu do các khoản nợ không có khả năng thu hồi bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên tổng số nợ. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nợ thuế tăng từng ngày nhưng lại không thể thu hồi vì người nợ thuế đã chết, mất tích, phá sản, mất năng lực hành vi dân sự, không còn khả năng thanh toán các khoản nợ với ngân sách.

Có thể nói, đây là thực trạng chung của nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tại các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) tỷ lệ nợ thuế bình quân dưới 10%. Tại các nước Đông Nam Á, tỷ lệ nợ trên tổng thu ngân sách lại không đồng đều: Indonesia là 6,8%, Malaysia là 10,3%, Campuchia là 22,2%. Tại Việt Nam năm 2016 tỷ lệ nợ thuế là 8,5%, năm 2017 là 7,6% và đến 30/9/2018 là 7,5%.

Để phản ánh trung thực thực trạng nợ thuế và giảm áp lực không thực sự cần thiết trong quản lý cho cơ quan thuế, giảm tình trạng nợ ảo do các khoản nợ không thể thu hồi bị tính tiền phạt chậm nộp, một số nước đã thực hiện chính sách xóa nợ thuế cho những đối tượng nợ thuế đã chết, mất tích, phá sản, không còn khả năng thanh toán các khoản nợ thuế với ngân sách.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp.

Theo đó, đối với người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì được khoanh nợ thuế. Chúng tôi cho rằng, quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế, khi mà nợ phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đã quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, bổ sung cụ thể quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế.

Quy định về xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi nếu được Quốc hội thông qua sẽ là một bước ngoặt lớn, giúp giảm nợ ảo, giảm áp lực quản lý cho cơ quan thuế, qua đó, cơ quan thuế sẽ tập trung được nguồn nhân lực vào công tác khác như thanh tra, kiểm tra chống thất thu cho ngân sách. Đồng thời, việc khoanh nợ cho những khoản nợ chưa thể thu hồi cũng là biện pháp tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách.