Bộ trưởng Bộ Tài chính được quyền xoá nợ thuế từ 5 tỷ đồng trở lên

PV.

Đó là một trong những nội dung tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Dự thảo đã bổ sung nhiều chế tài mới, trong đó chế tài về xử lý nợ đọng thuế được nhiều chuyên gia kỳ vọng, quy định này sẽ giúp làm giảm số nợ ảo, tạo điều kiện cho việc theo dõi và quản lý tốt nợ thuế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng. Nguồn: Internet
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng. Nguồn: Internet

Ngày 8/11, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Chính phủ đọc tờ trình Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Tờ trình Chính phủ có nêu rõ: Dự thảo Luật Thuế (sửa đổi), bổ sung các quy định, các biện pháp xử lý nợ đọng thuế. Nhằm đáp ứng yêu cầu và phù hợp với thực tế, khi mà nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi.

Cụ thể, các biện pháp xử lý nợ đọng thuế (khoản nợ, xoá nợ, miễn tiền thuế...), dự thảo Luật bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; Người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.

Lần sửa đổi này cũng quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; Quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Quản lý thuế hiện hành quy định Thủ tướng xoá nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên, tuy nhiên, để cải cách thủ tục hành chính, Dự thảo luật quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi quyết định việc xóa nợ.

Bên cạnh đó, Dự Luật bổ sung thẩm quyền xóa nợ thuế cho người đứng đầu ngành Thuế và Hải quan. Cụ thể, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền xóa nợ thuế đối với trường hợp đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng. Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan có quyền xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 1 tỷ đồng.

Để đảm bảo việc xóa nợ một cách chặt chẽ, đúng người, đúng việc, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định chỉ xóa nợ đối với các khoản nợ đã thực hiện hết 7 biện pháp cưỡng chế, mà không thu được thuế và các khoản nợ này phải có thời hạn trên 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

Thời gian qua, Dự thảo Luật Thuế (sửa đổi) được lấy ý kiến từ nhiều chuyên gia, đa số đều đánh giá là dự luật khá đầy đủ và tiến bộ, khi đã bổ sung khá nhiều quyền lợi dành cho người nộp thuế. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, quy định về thẩm quyền xóa nợ thuế sẽ giúp làm giảm số nợ ảo, tạo điều kiện cho việc theo dõi và quản lý tốt nợ thuế.