Quy hoạch phát triển kinh tế du lịch đêm trên địa bàn TP. Hà Nội

ThS. Đặng Hoàng Anh - Khoa Kinh tế - Luật - Trường Đại học Thương mại

Nhận thấy những tiềm năng lớn của kinh tế ban đêm, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. TP. Hà Nội được chọn là một trong những địa phương triển khai thí điểm Đề án phát triển kinh tế ban đêm. So với các địa phương khác, Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển kinh tế du lịch đêm. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, phát triển kinh tế du lịch đêm ở TP. Hà Nội vẫn còn những hạn chế, tồn tại và cần có các giải pháp đồng bộ để phát triển loại hình kinh tế này trong thời gian tới.

Lợi thế phát triển kinh tế du lịch đêm tại TP. Hà Nội

Thủ đô Hà Nội là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế văn hóa của cả nước. Thành phố là nơi có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 4 triệu lượt, tăng 266,7% so với năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt, tăng 16,3% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022.

Về hoạt động lưu trú, tính đến tháng 11/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.758 cơ sở lưu trú du lịch với 71.016 phòng; trong đó, có 605 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1- 5 sao với 26.411 phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng.

Về dịch vụ du lịch đạt chuẩn, trên địa bàn Hà Nội hiện có 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 37 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo du khách và người dân đến tham quan, mua sắm.

Để thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội, thời gian qua, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, ngành Du lịch Thành phố đã và đang triển khai nhiều sản phẩm du lịch đêm, như: phố ẩm thực, phố đi bộ, chợ đêm, hệ thống cửa hàng tiện lợi... Ngoài việc mang tới những trải nghiệm đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cho du khách, phát triển du lịch đêm còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

TP. Hà Nội phấn đấu, năm 2024, Thành phố sẽ tạo bước tăng trưởng phát triển toàn diện du lịch để đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và chất lượng khách du lịch đảm bảo tính bền vững, giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Hà Nội đặt mục tiêu đón khoảng 26,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024, tăng 10,4% so với năm 2023; trong đó gồm 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25% so với năm 2023 và 21,5% triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99,77 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2023.

Thực trạng quy hoạch kinh tế du lịch đêm trên địa bàn TP. Hà Nội

Phát triển kinh tế du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế- xã hội. Theo đó, trong năm 2023, ngành Du lịch Hà Nội đã xây dựng nhiều tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống.

Cụ thể, Sở Du lịch Hà Nội cho ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt đối với du khách là: 1) Show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”, huyện Quốc Oai; 2) Tour thăm quan Hỏa Lò về đêm với 3 chủ đề khác nhau (quận Hoàn Kiếm); 3) Không gian đi bộ, bao gồm: Không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội; Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Không gian văn hóa phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; Khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận, quận Hai Bà Trưng (giai đoạn 1); 4) Rối nước Thăng Long, Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm); 5) Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long; 6) Tour đêm “Chữ Tâm Chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam; 7) Tour ẩm thực Tống Duy Tân – Tạ Hiện – Chợ đêm Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm); 8) Bus 2 tầng City Tour vào buổi đêm; 9) Tuyến xe điện Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm); 10) Xích lô (quận Hoàn Kiếm); 11) Lễ hạ cờ 9h tối tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; 12) Phố Sách Hà Nội; 13) Chương trình nghệ thuật Huyền thoại tuổi thanh xuân – Sống một đời đáng sống tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; 14) Tour xe đạp: Đêm Thăng Long – Hà Nội; 15) Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Tinh hoa Đạo học.

Cùng với những định hướng của Thành phố, các quận, huyện trên địa bàn cũng đã chủ động trong việc phát triển kinh tế ban đêm, nhiều địa phương dần trở thành những khu vực tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch đêm. Điển hình như, quận Hoàn Kiếm là địa bàn đã có những thành tựu về phát triển kinh tế ban đêm. Từ năm 2016, Quận đã tổ chức không gian phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm và phố cổ; một số quán bar nhà hàng trong khu phố cổ kinh doanh thí điểm tới 2h sáng vào các ngày cuối tuần.

Hiện nay, quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng “Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”. Đây là một trong những quận đi đầu của Thành phố để cụ thể hóa định hướng về phát triển kinh tế ban đêm và xác định những kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện. Quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung những cơ chế, chính sách, quy hoạch xây dựng và triển khai đề án thí điểm phát triển kinh tế đêm theo hướng tổ chức xuyên đêm, phân loại theo mô hình tổ chức trong nhà và ngoài trời, trong không gian đi bộ như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ; Đồng thời, quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên doanh. Ngoài các dịch vụ đêm, quận Hoàn Kiếm sẽ mở 2 điểm nhấn đặc sắc để níu chân du khách là đề xuất xây dựng “Cột mốc số 0” của Hà Nội và cả nước tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm để trở thành điểm nhấn nhằm thu hút khách quốc tế; tăng cường tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội ẩm thực, làng nghề, tháng khuyến mãi hấp dẫn…

Ngoài ra, một số quận, huyện khác cũng khai thác phát triển kinh tế du lịch đêm như: “Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố” tại phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ đã nhận được sự quan tâm của người dân, khách du lịch và trở thành không gian đi bộ mới sau khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm; tuyến phố đi bộ - ẩm thực tại Đảo Ngọc - Ngũ Xã; phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây); phố ẩm thực đêm Tống Duy Tân; phố đi bộ khu vực cổng Công viên Thống Nhất và Hồ Thiền Quang… đã và đang thu hút du khách trải nghiệm cuộc sống về đêm sôi động.

Từ quý I/2024, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát 5 khu vực. Khu vực 1: Các quận Hoàn Kiếm, Hồ Tây, thuộc cụm du lịch trung tâm thành phố và quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Khu vực 2 bao gồm: Các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng. Khu vực 3: Các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh (thuộc phía Bắc thành phố). Khu vực 4: Các huyện, thị xã: Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì (thuộc phía Tây thành phố). Khu vực 5: Các huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên (thuộc phía Nam thành phố).

Tiếp đó, Sở Du lịch sẽ từng bước xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm phù hợp.

Để tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch Thủ đô, Sở Du lịch TP. Hà Nội đề xuất có thêm một số sản phẩm du lịch đêm tại nhiều điểm đến, như: Tại khu vực ngoại thành, sẽ xây dựng mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại xã Đông Xuân (Quốc Oai), điểm Văn hóa ẩm thực Vân Đình tại Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa); Trong khu vực nội thành sẽ đưa thêm điểm đến du lịch đêm tại: Chợ đấu mối hoa đêm lớn nhất miền Bắc tại Quảng An quận Tây Hồ; Điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm phục vụ khách du lịch và phát triển kinh tế đêm Hà Nội tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm.

Có thể thấy, việc sáng tạo không gian văn hóa, thiết kế các tour du lịch mới từ các sản phẩm du lịch đêm thời gian qua không chỉ mang tính giải trí mà còn có tính trải nghiệm, tạo luồng gió mới khác biệt với tour du lịch truyền thống, qua đó, góp phần tạo hiệu quả cao trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của Hà Nội.

Một số tồn tại, hạn chế

Mặc dù, phát triển kinh tế du lịch đêm trên địa bàn TP. Hà Nội đã có nhiều kết quả tích cực, song loại hình du lịch này chưa thực sự bứt phá và vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như sau:

Thứ nhất, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng chưa có khung pháp lý hoàn thiện, thống nhất, hướng dẫn cụ thể, cơ chế chính sách cho từng vùng trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động kinh tế đêm cũng như quy hoạch, phân khu một cách bài bản đối với những điểm đến thí điểm mô hình kinh tế đêm. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò của du lịch đêm còn hạn chế; vẫn còn tư duy truyền thống lo ngại những vấn đề tiêu cực phát sinh nên đã có những quy định cấm đoán, gây trở ngại cho phát triển du lịch đêm.

Thứ hai, Hà Nội chưa có quy hoạch tổng thể, riêng biệt dành cho phát triển du lịch đêm, chưa khai thác thật sự hiệu quả những giá trị tài nguyên tự nhiên và văn hóa địa phương, không gian du lịch đêm vẫn còn xen lẫn với khu vực dân cư. Ngoài ra, chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển du lịch đêm gắn với các dịch vụ như: quán bar, karaoke, câu lạc bộ vui chơi giải trí có thưởng... thủ tục đầu tư còn phức tạp, chưa có chính sách đặc thù thu hút đầu tư phát triển du lịch đêm.

Thứ ba, nguồn nhân lực phục vụ du lịch đêm tại Hà Nội còn thiếu và yếu từ đội ngũ quản lý nhà nước tổ chức (chưa có bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động về đêm) đến nguồn lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng về du lịch đêm cũng như hạn chế nhận thức về việc kinh doanh bền vững. Sau dịch COVID-19, nhân lực trong ngành Du lịch chuyển ngành nghề nên nguồn nhân lực mới cần qua đào tạo.

Thứ tư, Hà Nội có thế mạnh về ẩm thực, có thể sánh ngang các thành phố lớn của Thái Lan. Tuy nhiên, tại khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hoạt động ẩm thực đường phố chủ yếu là bán rong, đồ ăn khó đảm bảo vệ sinh. Tại các khu vực kinh doanh kinh tế đêm, các dịch vụ còn nghèo nàn, chủ yếu là ẩm thực và mua sắm sản phẩm giá trị thấp, hoạt động còn xen lẫn khu dân cư nên chưa đảm bảo về trật tự, gây xung đột với cộng đồng dân cư không tham gia vào kinh tế ban đêm. Doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách tại Hà Nội còn thấp có nguyên nhân từ khoảng trống khai thác các dịch vụ sau 24 giờ. Trong khi đó, nhu cầu của du khách sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật về đêm rất lớn.

Thứ năm, các hoạt động quảng bá du lịch đêm cũng còn yếu do thông tin các hoạt động, dịch vụ ban đêm của Hà Nội đến du khách còn chưa nhiều…

Giải pháp quy hoạch phát triển kinh tế du lịch đêm trên địa bàn TP. Hà Nội

Để khai thác tốt tiềm năng kinh tế du lịch đêm, trong thời gian tới, TP. Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như sau:

Một là, để phát triển mạnh mẽ kinh tế du lịch đêm, vấn đề quy hoạch cần được coi là một trong những điều kiện tiên quyết cùng đồng bộ với chính sách cho loại hình kinh tế này. Theo đó, TP. Hà Nội cần xây dựng một mô hình kinh tế mới cho khu vực, đánh giá được tiềm năng của kinh tế du lịch đêm và xác định được nguồn lực đầu tư một cách bài bản, hiệu quả nhất nhưng vẫn hài hòa với các loại hình kinh tế khác, giảm thiểu mọi tác động tới người dân trong khu vực.

Hai là, đổi mới phương thức quản lý nhà nước về kinh tế ban đêm. Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý. Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của kinh tế ban đêm. Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm.

Ba là, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư công để đầu tư và tập trung hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kết nối tới khu vực được quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm như: điện, nước, internet…; đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa - triển lãm - hội chợ của địa phương; tu bổ, tôn tạo các điểm di tích lịch sử. Đầu tư xây dựng các công trình tạo điểm nhấn về đêm tại các quảng trường, công viên trung tâm, khu vực cảnh quan. Kêu gọi đầu tư các cơ sở lưu trú, nhất là các khách sạn cao cấp đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

Bốn là, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư phát triển các hoạt động và dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm và du lịch về đêm. Trong đó, tập trung kêu gọi thu hút, triển khai các dự án đầu tư tổ hợp vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn (với các hạng mục đầu tư tối thiểu như: khách sạn, khu dịch vụ, du lịch, thương mại, vui chơi giải trí, casino, trung tâm tổ chức sự kiện…) để hình thành điểm nhấn tại các khu vực quy hoạch riêng biệt cho phát triển kinh tế ban đêm. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách khuyến khích cung cấp, phát triển các hoạt động, dịch vụ tập trung tại một số khu vực trọng điểm được xác định là khu vực phát triển mô hình kinh tế ban đêm tại các huyện, thành phố như: hỗ trợ miễn phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè; hỗ trợ miễn phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và đảm bảo an ninh trật tự; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho đội ngũ quản lý và nhân viên phục vụ kinh tế ban đêm; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bả sản phẩm kinh tế ban đêm; trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến các khu vực được lựa chọn phát triển kinh tế ban đêm; hỗ trợ lãi suất vay; hỗ trợ đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tại các chợ đêm…

Năm là, nghiên cứu, tham khảo, học tập các mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên thế giới và ở các tỉnh khác, cũng như tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng các loại hình dịch vụ, hoạt động về đêm tại khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt mang tính đặc sắc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách. Nghiên cứu tổ chức các loại hình nghệ thuật biểu diễn phục vụ khách du lịch vào ban đêm, một số sự kiện văn hóa riêng biệt, có thể tổ chức định kỳ, cố định tại các điểm du lịch để tạo điểm nhấn văn hóa, vui chơi về đêm; mở rộng thời gian hoạt động của một số địa điểm văn hóa lịch sử khai thác vào ban đêm. Xây dựng kế hoạch, giải pháp liên kết thương mại, đầu tư xây dựng, hình thành các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm (trung tâm thương mại), nhà hàng, cửa hàng tiện lợi tại khu vực tập trung phát triển kinh tế ban đêm. Khuyến khích phát triển chuỗi cửa hàng ăn đêm, chuỗi cửa hàng mua sắm hiện đại, tiện tích, khu trưng bày sản phẩm, quà lưu niệm mở cửa hoạt động tối đa theo khung giờ quy định.

Sáu là, khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm tập trung tại một khu vực riêng của thành phố để cơ quan nhà nước dễ dàng kiểm soát về an ninh, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân (ô nhiễm tiếng ồn, rác thải sinh hoạt...) tuy nhiên, phải đảm bảo thuận lợi về mặt giao thông, trong phạm vi trung tâm du lịch. Khi triển khai các mô hình trung tâm kinh tế ban đêm tập trung cần có sự kết nối với các điểm mua sắm, ẩm thực, chương trình vui chơi giải trí khác để du khách có thể sử dụng được nhiều loại hình dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định và kéo dài xuyên đêm. Hà Nội có thể nghiên cứu mở rộng sản phẩm du lịch đêm như: phát triển dịch vụ du lịch 2 bên sông Hồng; Quy hoạch cho việc xây dựng trung tâm mua sắm hiện đại ở gần khu vực trung tâm, chẳng hạn như xây dựng trung tâm mua sắm ngầm dưới đất tại Công viên Thống Nhất.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam;
  2. CIEM (2019), “Báo cáo đề án kinh tế chia sẻ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
  3. Đăng Khôi (2019), Kinh tế ban đêm - Những con số hấp dẫn và thách thức chờ đợi, https://baodautu.vn/kinh-te-ban-dem-nhung-con-so-hap-dan-va-thach- thuc-cho-doi-d106874.html/;
  4. Hoàng Văn Minh (2019), Đà Nẵng phát triển kinh tế đêm để giữ chân khách du lịch, https://dulich.laodong.vn/san-pham/da-nang-phat-trien-kinh-te-dem-de- giu-chan-khach-du-lich-763098.html;
  5. Hoàng Vũ(2019), Thắp sáng du lịch bằng kinh tế ban đêm, https://www.nhandan. vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/42239602-%E2%80%9Cthap sang%E2%80%9D-du-lich bang-kinh-te-ban-dem.html];
  6. Lê Phương (2023), Hà Nội tận dụng lợi thế, phát triển sản phẩm du lịch đêm, https://vovworld.vn/vi-VN/kinh-te/ha-noi-tan-dung-loi-the-phat-trien-san-pham-du-lich-dem-1254808.vov.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2024