Quỹ mở và “bình minh sau mưa”

NGUYỆT HÀ

(Tài chính) Con số 9 quỹ mở ra đời trong năm 2013 được ví như “bình minh sau mưa”với mô hình quỹ đại chúng ở Việt Nam. Dự báo loại hình quỹ này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới, tuy nhiên hiệu quả hoạt động vẫn còn chờ câu trả lời phía trước.

Lễ ra mắt Quỹ Đầu tư Cổ phiếu năng động Bảo Việt. Nguồn: internet
Lễ ra mắt Quỹ Đầu tư Cổ phiếu năng động Bảo Việt. Nguồn: internet

Khi quỹ đóng chuyển đổi

Đã gần hai năm trôi qua kể từ thời điểm Thông tư số 183/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, cho phép loại hình quỹ mở ra đời chính thức có hiệu lực, thị trường chứng khoán (TTCK) đã ghi nhận sự ra đời của quỹ mở thứ 9. Dù lượng quỹ mở chuyển đổi và thành lập mới ít hơn so với dự kiến nhưng gần như chắc chắn mô hình quỹ này sẽ thay thế cho mô hình quỹ đóng trong thời gian không xa.

Sự kiện Quỹ Đầu tư Doanh nghiệp (DN) hàng đầu Việt Nam (VF4) chính thức hủy niêm yết để chuyển đổi sang quỹ mở kể từ ngày 27/11/2013 đã thêm một ví dụ sinh động minh chứng loại hình quỹ đóng đã không còn phù hợp. Với thời hạn tồn tại của quỹ đóng theo luật ít nhất là 5 năm mới được phép “tất toán”, các cổ đông của VF4 phải chấp nhận không ít thiệt thòi.

Cụ thể, ở thời điểm chuyển đổi cuối năm 2013, giá trị tài sản ròng của quỹ chỉ còn khoảng 677 tỷ đồng, lỗ trên 100 tỷ đồng so với thời điểm thành lập đầu năm 2008. Tuy nhiên, nếu chiếu theo thị giá thị trường thì còn tệ hơn nữa khi chứng chỉ quỹ VF4 niêm yết trên HSX chỉ được giao dịch trên dưới 7.700 đồng/ chứng chỉ quỹ, thấp hơn 13% giá trị tài sản 8.400đồng/chứng chỉ ròng, tại thời điểm tất toán. Nếu là loại hình quỹ mở, nhà đầu tư (NĐT) của VF4 hoàn toàn có thể chọn cách tối ưu hóa lợi nhuận ở những thời điểm TTCK tốt hơn như cuối năm 2009 hay năm 2010, thay vì phải chờ ít nhất là 5 năm.

Việc có khá nhiều quỹ đóng đã chuyển sang mô hình quỹ mở trong 2 năm 2012 và 2013, đồng thời một số quỹ mở khác cũng được thành lập mới, cho thấy xu hướng đầu tư năng động đang ngày càng gia tăng trên TTCK. Các ưu điểm của quỹ mở cho đến thời điểm này đều vượt trội so với quỹ đóng và tỏ ra phù hợp với thị trường.

Điểm nổi bật của quỹ mở là NĐT có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, số tiền rút vốn luôn gần sát với giá trị tài sản ròng. Ban quản lý có thể phát hành hoặc mua lại chứng chỉ quỹ theo một chu kỳ nhất định (hàng ngày hoặc theo quy định cụ thể ghi trong điều lệ quỹ) theo yêu cầu của NĐT. Hoạt động của quỹ mở sẽ mang lại cho NĐT lợi thế về tính thanh khoản của chứng chỉ quỹ, tiếp cận danh mục đầu tư đa dạng, được quản lý bởi một công ty quản lý tài sản chuyên nghiệp. Đối với các quỹ đầu tư, việc huy động vốn sẽ được thực hiện nhanh chóng và chứng chỉ quỹ được mua lại theo giá trị tài sản ròng, chứ không theo giá thị trường.

Trên thế giới, có đến 90% trong số các quỹ đang hoạt động là quỹ mở. Năm 2014, dự kiến TTCK Việt Nam sẽ đón nhận thêm khoảng hơn 10 quỹ mở ra đời.

Ưu điểm của quỹ mở còn ở khả năng tham gia linh hoạt vào các mảng đầu tư, thúc đẩy cổ đông tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua các quỹ đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản… Đơn cử như với thị trường trái phiếu vốn lâu nay chỉ dành cho các NĐT lớn, tuy nhiên khi quỹ đầu tư trái phiếu MB Capital (MBBF) đi vào hoạt động từ giữa năm 2013 thì kể cả các NĐT nhỏ cũng có thể tham gia đầu tư trái phiếu thông qua sở hữu chứng chỉ quỹ MBBF.

Với khả năng phản ứng linh hoạt, chiến lược đầu tư năng động, quỹ mở sẽ cho phép ban điều hành thu hút nguồn vốn ngoại dễ dàng hơn. Đây là ưu thế rất lớn, tăng sức hấp dẫn với công chúng. Đặc biệt với các NĐT nước ngoài, khi khoản tiền họ chuyển vào Việt Nam chưa tìm được địa chỉ giải ngân thì việc tham gia mua chứng chỉ quỹ mở sẽ giúp NĐT có cơ hội nhận được lợi nhuận cao hơn gửi ngân hàng với mức lãi suất không kỳ hạn.

Những “bài toán” phát triển

Phải khẳng định tương lai của TTCK sẽ phát triển với sự ra đời của các quỹ đại chúng - những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và an toàn, thay vì cá nhân đầu tư chiếm số đông như TTCK Việt Nam hiện nay. Đơn cử như tại các quốc gia có TTCK phát triển hơn Việt Nam, mô hình quỹ đại chúng cả dạng đóng và mở rất phát triển, thậm chí áp đảo thị phần mua - bán trên thị trường. Tại TTCK Nhật Bản hiện có tới gần 4.000 quỹ đại chúng các loại. Còn tại Trung Quốc, con số này là trên 1.000. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 47 công ty quản lý quỹ, 18 quỹ đầu tư chứng khoán, 26 văn phòng đại diện đang hoạt động trên thị trường. Con số quỹ đại chúng cả đóng và mở của Việt Nam hiện tại là quá nhỏ bé, bởi vậy, tiềm năng phát triển của loại hình quỹ đại chúng là không thể phủ nhận.

Với việc lượng quỹ mở gia tăng qua chuyển đổi từ “đóng” sang “mở” hoặc thành lập mới cho thấy các công ty quản lý quỹ đang gấp rút thay đổi chiến lược đầu tư. Đây là xu thế tất yếu nhằm đón đầu thời kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam cũng như của TTCK. Với việc ra đời các quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu hoặc cổ phiếu, NĐT nước ngoài có thể tăng sở hữu gián tiếp đối với cổ phiếu mà không bị hạn chế về “room”. Tuy nhiên, “bài toán” băn khoăn của cổ đông là về lý thuyết thì khá hay nhưng hiệu quả của quỹ mở đến đâu vẫn cần được minh chứng rõ ràng trong thời gian tới. Bởi vậy, khó khăn về huy động vốn này của các quỹ mở từ băn khoăn là hoàn toàn dễ hiểu.

Cùng với những dự đoán về sự phục hồi của TTCK trong năm 2014 và những năm sau, khi nền kinh tế Việt Nam thực hiện thành công các trụ cột của tái cấu trúc, kỳ vọng sự hoạt động hiệu quả của loại hình quỹ mở sẽ tạo thêm động lực cho sự phát triển của thị trường. Dù hiện tại, loại hình này mới được coi là “bình minh sau mưa” nhưng kỳ vọng đem lại lợi nhuận ổn định cho các cổ đông là hiện hữu. Và từ “bình minh” ấy, có thể giai đoạn mất mát của NĐT trên TTCK sẽ sớm kết thúc…

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 - 2014