Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội, thách thức và giải pháp chính sách cho Việt Nam

Mai Đình Lâm - Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một trong những nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, dự kiến áp dụng từ ngày 01/1/2024 với 142 quốc gia đồng thuận tham gia. Bài viết mô tả nội dung của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, từ đó phân tích cơ hội và thách thức của nước ta khi tham gia quy tắ thuế tối thiểu toàn cầu, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp chính sách nhằm thích ứng với việc tham gia quy tắc trên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nội dung cơ bản của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu

Tạo bình đẳng về thuế doanh nghiệp giữa các nước, chống lại hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, rửa tiền thông qua các “thiên đường thuế” được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới trong quản lý ngân sách.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) với 142 thành viên tham gia. Qua nhiều năm đàm phán, ngày 1/7/2021, các quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã nhất trí với quy định áp mức thuế tối thiếu trên phạm vi toàn cầu. 142/142 quốc gia BEPS đồng ý với việc quy định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Thuế tối thiểu toàn cầu gồm 2 trụ cột cơ bản: (1) Phân bổ lại quyền của các Chính phủ trong việc đánh thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số dựa trên nơi tạo ra doanh thu dù các tập đoàn này có cơ sở thường trú tại quốc gia đó hay không; (2) Trụ cột thứ hai là về thuế tối thiểu toàn cầu với nội dung cơ bản là đánh thuế 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro, và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu đạt từ 10% trở lên.

Với quy định trên, nếu một tập đoàn đa quốc gia và các công ty con của tập đoàn nộp thuế ở nước ngoài dưới mức 15% sẽ phải nộp khoản chênh lệch so với tỷ lệ này tại nước đặc trụ sở chính. Như vậy, việc thu thuế sẽ được thực hiện tại nơi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo ra doanh thu và tại nơi đặt trụ sở chính. Điều này cho phép nước đầu tư (ví dụ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…) đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập mà doanh nghiệp được giảm, miễn thuế (gồm các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu được ghi trên giấy chứng nhận đầu tư) tại nước nhận đầu tư (ví dụ như Việt Nam). Có thể mô tả nội dung của thuế tối thiểu toàn cầu như Hình 1.

Hình 1: Cách thức hoạt động của thuế tối thiểu toàn cầu

Nguồn: Tác giả tổng hợp
Nguồn: Tác giả tổng hợp

Như vậy, nếu tập đoàn đa quốc gia và các công ty con của tập đoàn nộp thuế ở nước ngoài nếu nộp thuế dưới mức tối thiểu 15% thì sẽ phải nộp khoản chênh lệch này tại nước có trụ sở chính được đặt. Vì vậy, việc chuyển lợi nhuận sang quốc gia khác có mức thuế thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu sẽ không còn hấp dẫn đối với các tập đoàn.

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu

Việt Nam là thành viên thứ 100 của diễn đàn BEPS từ năm 2017. Việc tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức đối với nước ta:

Cơ hội:

Thứ nhất, việc tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục cải cách hệ thống thuế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực, thông lệ chung của quốc tế, từ đó góp phần tạo ra hệ thống thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng minh bạch, hiệu quả hơn.

Thứ hai, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thay đổi chiến lược trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, chất lượng cao, bãi bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong chiến lược thu hút FDI, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, giảm gánh nặng thủ tục hành chính, tạo ra môi trường chính sách thu hút đầu tư minh bạch, và ít rủi ro hơn.

Thứ ba, khi tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia. Thu ngân sách trong ngắn hạn có thể tăng lên khi nâng mức thuế suất lên mức tối thiểu toàn cầu và có thể được phân bổ số thuế được phép thu thêm do quy tắc phân bổ Quy tắc đối với khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR).

Bảng 1: Thuế suất ưu đãi thực tế của Việt nam và các quốc gia Đông Nam Á

Quốc gia

Thuế suất phổ thông (%)

Thuế suất ưu đãi thực tế (%)

Việt Nam

20

12,3

Thái Lan

20

9,5

Singapore

17

7

Malaysia

24

15,5

Indonesia

22

11,5

Phillipines

30

21,7

Lào

20

10,5

Campuchia

20

12,5

Brunei

18,5

-

Nguồn: Dữ liệu thuế của Việt Nam và các quốc gia ASEAN

Thứ tư, việc tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu cũng là cơ hội để Việt Nam có thể nâng cấp mô hình gắn với chiến lược mới trong thu hút FDI. Với chiến lược trọng tâm là thu hút FDI gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững, việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ chuyển dịch từ việc ưu đãi thuế sang việc tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các chính sách khác.

Thách thức

Cùng với cơ hội, việc tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ có những tác động tiêu cực đến kinh tế của nước ta, cụ thể:

Thứ nhất, Việt Nam trong những năm vừa qua sử dụng thuế suất thấp để thu hút đầu tư nước ngoài, trung bình ở mức khoảng 12,3%, thậm chí có một số tập đoàn được hưởng thuế suất 2,75% đến 5,59% nhờ được hưởng ưu đãi thuế. Có thể so sánh thuế suất ưu đãi của Việt Nam so với các quốc gia khu vực Đông Nam Á ở bảng dưới đây:

Biểu thuế suất như trên cho thấy, Việt Nam đang sử dụng thuế suất ưu đãi thực tế thấp hơn mức 15%, các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam sẽ chiụ thuế suất bổ sung tại quốc gia đặt trụ sở chính. Như vậy, chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài mà Việt Nam sử dụng nhiều năm qua sẽ hầu như không còn tác dụng.

Thứ hai, với việc tham gia quy tắc này, Việt Nam sẽ gặp thách thức phải sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, từ đó có thể ảnh hưởng đến chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của nước ta, đặc biệt đối với các tập đoàn đa quốc gia.

Thứ ba, về số thu ngân sách, tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghệp hiện chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng thu thuế. Trong tổng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm khoảng từ 39 - 41%. Chính vì vậy, nếu Việt Nam tham gia quy tắc này trong dài hạn sẽ có tác động tiêu cực tới thuế thu nhập doanh nghiệp và thu ngân sách nhà nước.

Giải pháp chính sách của Việt Nam

Đối với Việt nam, việc tham gia quy tức thuế tối thiểu toàn cầu là việc phải thực hiện trong bối cảnh hơn 140 quốc gia đã đồng ý với quy tắc này, với việc phân tích thách thức và cơ hội như trên, giải pháp chính sách của Việt Nam trong thời gian tới là:

Thứ nhất, cần có chính sách truyền thông hiệu quả, minh bạch đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp về nội dung của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách Việt Nam sẽ sử dụng để thích ứng đối với viêc tham gia quy tắc trên. Đồng thời, tham vấn ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và doanh nghiệp về tác động của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, đặc biệt là các chuyên gia từ các nước OECD và các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia thông qua diễn đàn đối thoại, hội thảo và quá trình truyền thông chính sách. Song song với truyền thông chính sách, cần tổ chức tập huấn cho nhà quản lý, doanh nghiệp về nội dung quy tắc, để từ đó có nhận thức và thực hiện đúng các điều chỉnh về quy định pháp lý.

Thứ hai, với việc tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam chỉ có quyền quyết định đánh thuế bổ sung hoặc không đánh thuế bổ sung phân thuế suất chênh lệnh so với mức 15%, tuy nhiên chúng ta không có quyền yêu cầu các quốc gia khác không đánh thuế bổ sung đối với các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Chính vì vậy, giải pháp cấp bách hiện nay là cần rà soát để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để vừa không làm sói mòn cơ sở thuế, đồng thời vẫn đạt được yêu cầu về thu hút FDI, bảo đảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước với nhà đầu tư, phù hợp với chuẩn mực chung của quốc tế và điều kiện thực tiễn của đất nước.

Thứ ba, cần đa dạng hóa phương thức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời có giải pháp cụ thể để giữ chân các nhà đầu tư hiện tại bằng cách tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nội địa, nâng cao hiệu quả của chính sách thuế và hiện đại hóa gắn với chuyển đổi số trong quản lý thuế, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ sau thuế theo xu thế chung và phù hợp với chuẩn mực chung của quốc tế.

Thứ tư, cần nghiên cứu việc áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa, vì đây là giải pháp giúp Việt nam có thể bảo vệ quyền đánh thuế của mình bằng cách thu thêm thu thêm một khoản thuế chênh lệch giữa thuế tối thiểu nội địa và thuế ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI trước khi khoản thuế đó được truy thu về nước đặt trụ sở chính. Từ đó, Việt Nam có nguồn lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này về chi phí của doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nhà xưởng, bồi dưỡng nhân lực, hoạt động nghiên cứu và phát triển... thay vì chính sách miễn giảm thuế để thu hút đầu tư.

Thứ năm, cần có giải pháp chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo và cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp vệ tinh trong các chuỗi cung ứng và công nghiệp phụ trợ…

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê (2011 đến 2022), Niên giám thống kê các năm từ 2011 đến 2022;
  2. Deloitte (2021), OECD Inclusive Framework reaches political agreement on Pillar One and Pillar Two;
  3. IMF (2013 đến 2022), country report;
  4. OECD/G20 (2021), Addressing the tax challenges arising from the digitalisation of the economy;
  5. OECD (2021), 12th Meeting of the Inclusive Framework on BEPS – Statement on a two Pillar solution to address the tax challenges arising from digitalisation of the economy;
  6. OECD (2021), 12th Meeting of the Inclusive Framework on BEPS – Statement on a two Pillar solution to address the tax challenges arising from digitalisation of the economy;
  7. Ruding, Onno (1992), Report of the Committee of Independent Experts on company taxation, Executive summary. March 1992;
  8. https://graphics.reuters.com/BRV-BRV/oakveldyxpr/chart.png.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 số tháng 6/2023