Quyền con người ở nước ta hiện nay trong bối cảnh phát triển internet và mạng xã hội
Một trong những vấn đề Quyền con người (QCN) hiện nay trong bối cảnh internet, mạng xã hội (MXH) là bảo đảm QCN trong tiếp cận, phản hồi thông tin và ngăn chặn việc lợi dụng QCN để vi phạm pháp luật. Internet, MXH là một hệ thống thông tin mạng lan tỏa gần như tức thì trên tất cả lĩnh vực. Thế nhưng thế giới ảo lại đặt ra nhiều thách thức đối với QCN, nhất là quyền tiếp cận thông tin một cách chân thực.
Bảo đảm đầy đủ quyền con người trên internet và mạng xã hội
Cách đây hơn 20 năm, ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối với internet toàn cầu, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin và truyền thông nói riêng, Việt Nam nói chung. 20 năm qua, với những tính năng ưu việt của internet, Việt Nam đã phát triển một cách khá toàn diện. Với sự bùng nổ của internet, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục. Thế nhưng đây đó vẫn có những cái nhìn chủ quan, phiến diện, thông tin không đúng về tự do internet ở Việt Nam. Bức tranh sinh động về internet ở Việt Nam cùng những ghi nhận chính xác của cộng đồng quốc tế đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu sai trái đó.
Một trong những vấn đề QCN hiện nay trong bối cảnh internet, MXH là bảo đảm QCN trong tiếp cận, phản hồi thông tin và ngăn chặn việc lợi dụng QCN để vi phạm pháp luật. Internet, MXH là một hệ thống thông tin mạng lan tỏa gần như tức thì trên tất cả lĩnh vực. Đồng thời, những thông tin này được lưu giữ, dễ dàng tìm kiếm và có những hoạt động tương tác trực tuyến.
Thế nhưng thế giới ảo lại đặt ra nhiều thách thức đối với QCN, nhất là quyền tiếp cận thông tin một cách chân thực. Quyền này thường bị vi phạm từ những việc đơn giản, như mua, bán hàng (hàng giả, kém chất lượng trên mạng) cho đến những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền riêng tư của cá nhân...
QCN là một mục tiêu nhất quán, xuyên suốt các cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời năm 1930 đến nay. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, mục tiêu QCN được cụ thể trong chiến lược cách mạng. Hiến pháp nước ta năm 2013 dành một chương (Chương II) quy định đầy đủ về “QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Những quy định về QCN tại chương này hoàn toàn tương thích với các công ước quốc tế, trong đó có những quyền được xem là “nhạy cảm” cũng đã được đưa vào văn kiện này.
Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 (Điều 25) và nội luật hóa các công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam đã gia nhập, ký kết, Quốc hội Việt Nam vừa qua đã sửa đổi và xây dựng nhiều đạo luật mới, như: Luật Báo chí (năm 2016), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013), Luật An ninh mạng (năm 2018)... Các quy định của những bộ luật trên đều nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng và QCN.
Trên thực tế QCN trên lĩnh vực báo chí nói chung, internet, MXH nói riêng đã được bảo đảm đầy đủ, nhanh nhất có thể. Việt Nam hòa mạng internet toàn cầu khá sớm so với nhiều quốc gia trong khu vực (từ ngày 1-12-1997).
Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm qua, có thể khẳng định rằng, sau 20 năm hòa mạng toàn cầu, internet Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu, thể hiện qua những chỉ số rất đáng khích lệ. Nếu như thời đầu của internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, số người sử dụng internet chỉ đạt đến 205.000 người, thì 10 năm sau, con số này đạt 17 triệu người. Thế nhưng, so sánh với con số hơn 31 triệu người dùng internet vào năm 2012 với hơn 50 triệu người năm 2017 thì mới thấy được sự phát triển như vũ bão của internet ở Việt Nam.
Theo thống kê của Hiệp hội Internet Việt Nam, với hơn 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, Việt Nam nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ người dùng internet cao nhất tại châu Á.
Từ con số 0 những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, internet hiện đại phủ rộng khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo. Internet giờ đây trở thành công cụ rất quen thuộc với phần lớn người dân Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày, trong giao tiếp, trong giải trí, kể cả trong làm kinh tế cũng như các vấn đề khác liên quan, như: Giáo dục, văn hóa, y tế... Từ người nông dân, công nhân đến học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên internet.
Chính internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của người dân Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, người Việt Nam dùng internet chủ yếu là giới trẻ. Theo nhiều chuyên gia, trong thế giới phẳng, lớp trẻ hiện nay đang có một tương lai tươi sáng nhờ internet. Internet là một môi trường mới, một nền kinh tế mới và ở đó cần có tri thức của những người trẻ tuổi.
Việt Nam hiện có 35 triệu người, chiếm 1/3 dân số (92 triệu người) sở hữu tài khoản Facebook, trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động; nhiều cơ quan, tổ chức và công chức Việt Nam đã sử dụng mạng Facebook để trực tiếp liên hệ với người dân…
Khắc phục tình trạng Quyền con người bị vi phạm?
Tuy nhiên, trong bối cảnh internet, MXH hiện nay, việc tôn trọng, bảo đảm QCN cũng có những khác biệt nhất định so với các giai đoạn lịch sử đã qua. Nội dung QCN ngày nay mở rộng hơn trước, bao gồm quyền sử dụng internet, MXH. Tất nhiên, kèm theo với quyền đó, người sử dụng cũng phải có nghĩa vụ tương ứng. Nếu như trước đây, quyền tự do ngôn luận, báo chí chỉ có quyền tiếp cận với báo in, báo nói, báo hình, thì ngày nay quyền này còn bao gồm cả quyền tiếp cận, sử dụng internet, MXH.
Khác với thế giới thực, những thông tin mà người ta có được trên thế giới ảo khó kiểm chứng. Điều này, dẫn đến việc kẻ xấu có thể lợi dụng internet, MXH vì những mục tiêu xấu độc, như: Đưa thông tin giật gân, câu view, câu like; tán phát thông tin bịa đặt, không kiểm chứng, độc hại nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu; tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại; đăng tải, chia sẻ nội dung sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền xuyên tạc, đả kích, nói xấu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc...
Như vậy, xét về chủ thể của các hành vi vi phạm QCN bao gồm: (1) Các cá nhân (thường là cán bộ, công chức thiếu hiểu biết về QCN); (2) Nhóm công tác vi phạm (cùng nguyên nhân như trên); (3) Nhóm dân cư (do ngộ nhận về QCN hoặc bị kẻ, kích động, xấu xúi giục…diễn ra trên một số địa bàn).
Những QCN bị vi phạm bao gồm: (1) Quyền tập thể, quyền quốc gia dân tộc. Đó là an ninh quốc gia, trật tự công cộng… Những hành vi vi phạm quyền này thường là xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, hoặc tụ tập đông người, biểu tình gây rối…; (2) Quyền của nhóm xã hội, nhất là quyền không bị phân biệt đối xử của nữ giới và quyền trẻ em; (3) Quyền của cá nhân, trong đó có quyền không bị tra tấn và bị các hình thức nhục hình, xúc phạm nhân phẩm, danh dự (kể cả khi họ vi phạm pháp luật-theo Công ước Chống tra tấn).
Để khắc phục tình trạng QCN bị vi phạm, đòi hỏi chúng ta phải có hệ thống các giải pháp: (1) Trước hết là nâng cao nhận thức về QCN. Do QCN vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù, nên công tác tuyên truyền, giáo dục về QCN phải dựa trên quan điểm của Đảng ta. Đối tượng cần nâng cao nhận thức về QCN, trước hết là cán bộ, đảng viên, công chức… Đây là những người có trách nhiệm bảo vệ và bảo đảm QCN cho nhân dân. Chủ trương đưa giáo dục về QCN trong cả hệ thống giáo dục, từ cơ sở đến giáo dục chuyên nghiệp và đại học là cần thiết; (2) Tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến QCN theo Điều 25 Hiến pháp năm 2013; (3) Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là chính sách về đền bù giải tỏa… nhằm bảo đảm việc làm của người bị thu hồi đất; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch giá đền bù… trước mắt có giải pháp giảm số lượng khiếu kiện về đất đai ở các địa phương; (4) Nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm QCN cho cả xã hội được sống trong môi trường trong lành; (5) Tăng cường thông tin truyền thông về QCN.