Tỉnh An Giang:
Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình
Để giảm bớt những khó khăn cho người dân hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu, nhà nước đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình cho những người lao động (NLĐ) không thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc thông qua chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ đối với người tham gia để ai cũng có cơ hội được chăm sóc sức khỏe khi đau bệnh, hưởng lương hưu lúc tuổi già và kèm theo BHYT hưu trí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Đau ốm có BHYT, tuổi già đã có lương hưu. Vậy, làm thế nào để được hưởng chính sách BHYT, hưởng lương hưu, mà không phải lệ thuộc vào sự chăm sóc của con cháu hoặc vẫn phải lao động mưu sinh ở tuổi xế chiều.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn cho biết: “Chính sách BHXH tự nguyện có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những NLĐ tự do giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động. Chính những lợi ích thiết thực do BHXH tự nguyện mang lại nên những năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng lên”.
Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên làm các công việc tự do, tự tạo thu nhập (không thuộc đối tượng đang tham gia BHXH bắt buộc) đều được tham gia BHXH tự nguyện. Tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Được nhà nước hỗ trợ mức đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30%, người thuộc hộ cận nghèo hỗ trợ 25%, đối tượng khác được hỗ trợ 10%). Được lựa chọn mức thu nhập đóng và phương thức đóng hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần hoặc nhiều năm một lần (không quá 5 năm).
Nếu người tham gia đủ tuổi nghỉ hưu mà còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng 1 lần cho đủ số năm và được hưởng lương hưu ngay tháng liền kề sau khi đóng đủ. Chỉ cần để dành mỗi ngày 5.000 đồng, người dân đã có cơ hội hưởng lương hưu khi về già và được hưởng BHYT hưu trí miễn phí trong suốt thời gian hưởng hưu.
Đối với BHYT hộ gia đình: Người tham gia có tên trong sổ hộ khẩu/sổ tạm trú hoặc người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, trừ những người đã có thẻ BHYT thuộc nhóm khác; chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong cơ sở bảo trợ mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình.
Mức đóng hàng tháng bằng 4,5% nhân với mức lương cơ sở. Khi các thành viên trong hộ cùng tham gia BHYT trong năm tài chính (năm dương lịch) sẽ được giảm trừ mức đóng (người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất). Mức lương cơ sở như hiện nay là 1.490.000 đồng, người thứ nhất tham gia BHYT 12 tháng, đóng 804.600 đồng từ người thứ năm trở đi chỉ đóng 321.840 đồng.
Khi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT đúng tuyến tại nơi đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT theo quy định được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng: hưởng 100% chi phí KCB khi chi phí KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở tại thời điểm đi KCB (hiện nay 223.500 đồng); khi đi KCB tại tuyến xã; khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện nay lớn hơn 8.940.000 đồng), trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến. Hưởng 80% chi phí KCB đối với các trường hợp khác.
Khi KCB BHYT không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi, mức hưởng và tỷ lệ hưởng, cụ thể: hưởng 100% chi phí KCB ngoại trú và nội trú tại bệnh viện tuyến huyện; 100% chi phí KCB nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương.