Quyền ủy thác mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI
Công ty Luật TNHH IPIC (Hà Nội) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp vướng mắc liên quan đến chuyển khẩu hàng hóa và ủy thác xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI.
Trong quá trình tìm hiểu vấn đề quyền ủy thác mua bán hàng hóa và chuyển khẩu của doanh nghiệp FDI, Công ty Luật TNHH IPIC thấy vướng mắc như sau:
Tại Khoản 1, 2, Điều 3 và Điều 14 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về thi hành Luật Thương mại quy định về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài quy định:
“Điều 3. Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân): Trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác, thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh…
2. Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam: Các thương nhân, công ty, chi nhánh khi tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố...
Điều 14. Chuyển khẩu hàng hóa Thương nhân được kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa theo quy định sau:
1. Trừ hàng hóa quy định tại Khoản 2 Điều này, các loại hàng hóa khác đều được phép kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu; thủ tục chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu…”.
Theo Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP thì hoạt động tạm nhập tái xuất, hoạt động chuyển khẩu không được quy định trong Nghị định này.
Căn cứ hướng dẫn tại Công văn số 6321/BCT-XNK ngày 29/6/2010 của Bộ Công Thương thì “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả những doanh nghiệp có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu chỉ được thực hiện tạm nhập hàng hóa phục vụ các dự án đầu tư tại Việt Nam, không được tham gia kinh doanh dịch vụ tạm nhập, tái xuất hàng hóa và chuyển khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Việt Nam”.
Căn cứ các quy định trên, Công ty IPIC hiểu rằng, doanh nghiệp FDI không có quyền chuyển khẩu hàng hóa. Công ty hỏi, vậy doanh nghiệp FDI có được quyền ủy thác cho doanh nghiệp khác thực hiện việc mua bán hàng hóa và chuyển khẩu hay không?
Về vấn đề này, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam không cam kết việc cho phép tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu và ủy thác mua bán hàng hóa.
Do vậy, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không được kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa và cũng không được ủy thác kinh doanh tạm nhập tái xuất và ủy thác chuyển khẩu hàng hóa.
Đối với hoạt động ủy thác xuất khẩu, ủy thác nhập khẩu thông thường: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ.