Quyết liệt ngăn chặn nạn buôn bán, vận chuyển hàng lậu

Theo nhandan.com.vn

Những tháng cuối năm, dự báo tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tác động xấu tới sản xuất và đời sống của người dân.

Tiêu hủy thuốc lá lậu. Nguồn: Nguồn Internet
Tiêu hủy thuốc lá lậu. Nguồn: Nguồn Internet

Vì vậy, các lực lượng chức năng cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) nhằm thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ.

Buôn lậu diễn biến phức tạp

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và tích cực trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn; diễn ra trên địa bàn rộng, từ hải đảo đến đất liền, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn,...

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng (NTD), hoạt động của doanh nghiệp (DN) sản xuất và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu vẫn tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có sự chênh lệch lớn về giá giữa trong nước và ngoài nước. Nhất là các sản phẩm chịu mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử; các mặt hàng tiêu thụ nhiều như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng may mặc,...

Đáng chú ý, tình trạng buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát tiếp tục diễn ra phức tạp tại khu vực biên giới miền trung và miền Tây Nam Bộ. Buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại thực phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia súc vẫn còn xảy ra chủ yếu ở các tỉnh biên giới phía bắc. Bên cạnh đó là tình trạng các đối tượng buôn lậu lợi dụng kẽ hở từ ưu đãi về thuế của Chính phủ nhằm vận chuyển hàng lậu, trốn thuế bằng cách thuê cư dân biên giới mua hàng miễn thuế…

Chi cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, do thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày một tinh vi, sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại trong khi lực lượng kiểm tra, kiểm soát lại thiếu về số lượng, kinh phí cùng phương tiện nghiệp vụ chưa đáp ứng được nhu cầu.

Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo, sau thời gian áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập; việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ khó khăn cho các lực lượng khi thực thi nhiệm vụ...

Cần sự phối hợp đồng bộ

Nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường quốc tế cho nên công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, khi thị trường ngày càng phát triển đa dạng cũng đồng nghĩa với việc thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng sẽ ngày càng tinh vi và bất chấp hơn trước.

Trong sáu tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã phát hiện, xử lý 54.424 vụ vi phạm liên quan buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (giảm 810 vụ so cùng kỳ năm trước); thu nộp ngân sách gần 330 tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa giá trị 82,28 tỷ đồng.

Do đó, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm đạt hiệu quả cao nhất, phụ thuộc rất lớn vào lực lượng thực thi pháp luật và ý thức của cộng đồng, NTD.

Hơn lúc nào hết, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh việc tăng cường, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm liên quan buôn lậu hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, DN là người hiểu rõ nhất về hàng hóa do mình sản xuất, phân phối trên thị trường. Do đó, nếu DN nào chủ động, tích cực trong việc xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu của mình và phối hợp các cơ quan chức năng trong công tác tố giác, phát hiện vi phạm thì nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ giảm đi đáng kể.

Để ổn định thị trường, nhất là vào dịp cuối năm, Phó Cục trưởng QLTT (Bộ Công thương) Đỗ Thanh Lam cho biết, tới đây Cục sẽ tập trung kiểm tra sản xuất, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường trong nước.

Cùng với đó, kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh của DN và quyền lợi NTD như: thuốc lá, rượu, gia súc, gia cầm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; an toàn thực phẩm; kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại...

Nhằm từng bước đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác, các lực lượng chức năng, nhất là QLTT cần tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa, giá cả, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân để sẵn sàng đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra.

Chủ động kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán giá theo niêm yết, xử lý kịp thời các trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, từ đó hình thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể cho mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi DN và người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh.

Công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại phải đi đôi với việc đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt, kiên quyết không cho phép có "vùng cấm" trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Trương Hòa Bình.