Tổng cục Hải quan:
Quyết liệt thực hiện các giải pháp thu và chống thất thu ngay từ đầu năm
Năm 2017, Tổng cục Hải quan được Quốc hội, Bộ Tài chính giao dự toán thu là 285.000 tỷ đồng, tăng 5,6% so với dự toán thu năm 2016. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự quyết liệt trong thực hiện các giải pháp thu và chống thất thu ngay từ những tháng đầu năm.
5 mục tiêu chính
Một là, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Hai là, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2017.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác hải quan ở tất cả các khâu trước, trong, sau và quản lý nội ngành để theo kịp với đòi hỏi trong tình hình mới.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, xây dựng các kế hoạch, chuyên đề chống buôn lậu lớn, liên quan đến các mặt hàng trọng điểm, hàng cấm, vận chuyển qua nhiều quốc gia.
Năm là, không ngừng xây dựng lực lượng hải quan trong sạch, vững mạnh có chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm các nước phát triển trong khu vực.
7 nhiệm vụ trọng tâm
Thứ nhất, xây dựng thể chế chính sách. Cụ thể là rà soát những vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy chế để lập kế hoạch sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Năm 2017, Tổng cục Hải quan dự kiến thực hiện 14 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 7 đề án trình Bộ, 53 đề án trình Tổng cục.
Thứ hai, tập trung thực hiện các cam kết quốc tế. Triển khai thực hiện Hiệp định WTO về thuận lợi hóa thương mại trên cơ sở phê chuẩn của Quốc hội; Chuẩn bị các thủ tục trình Chính phủ về việc tham gia Công ước Istanbul; Triển khai phương án đàm phán về các nội dung liên quan đến Hải quan đã được phê duyệt trong khuôn khổ RCEP, ASEAN – Hồng Kông, Việt Nam – Israel, EFTA; Tiến hành đàm phán và thực hiện các thủ tục để ký kết các Hiệp định về hợp tác hải quan với Srilanka, Kazakstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Myanmar, Campuchia; Dành nguồn lực để hoàn thiện đàm phán với Hoa Kỳ về hiệp định Hợp tác Hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; Tiếp tục rà soát, cập nhật và theo dõi thực hiện các mục tiêu cam kết trong lĩnh vực hải quan và có liên quan đến hải quan.
Thứ ba, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cơ chế một cửa quốc gia làm cơ sở pháp lý triển khai tổng thể và đồng bộ; Mở rộng phạm vi, số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi và đối với thủ tục tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Xây dựng cơ sở pháp lý và hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện các thủ tục hành chính mới thông qua cơ chế một cửa quốc gia; Chính thức vận hành cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết; Triển khai thu phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa bằng phương thức điện tử…
Thứ tư, cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý hải quan. The đó có một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý tại các khu vực cửa khẩu, biên giới; Xây dựng và triển khai công tác giám sát hải quan; Xây dựng giải pháp quản trị tài khoản VNACCS gắn với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nhằm tăng tính bảo mật của tài khoản và gắn trách nhiệm người sử dụng; Hoàn thiện cơ chế pháp lý để quản lý loại hình nhập nguyên liệu để gia công, sản xuất kinh doanh trên cơ sở những vướng mắc phát sinh từ thực tế…
Thứ năm, tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quát rình thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu; Kịp thời phát hiện các bất cập trong chính sách,b áo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện đảm bảo yêu cầu chống gian lận và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các trường hợp áp dụng mã số, mức thuế không đúng quy định…
Thứ sáu, tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Thứ bảy, đánh giá, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong các lĩnh vực nghiệp vụ và kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, cơ hữu…