Rà soát giảm giá bán nhiên liệu bay tương ứng với giảm thuế bảo vệ môi trường
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, ngay trong ngày 31/12, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục chỉ đạo, giám sát các thương nhân đầu mối kinh doanh nhiên liệu bay rà soát để giảm giá bán nhiên liệu bay tương ứng với giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.
Ngày 31/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 về sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.
Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 1.500 đồng/lít; mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2023 trở đi là 3.000 đồng/lít.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, cũng trong ngày 31/12, Bộ Tài chính có Công văn số 15142/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương nhằm phối hợp triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Công văn nêu rõ, căn cứ quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 02/01/2022) thì giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.
Để bảo đảm tính đồng bộ khi triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu và là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu trong nước tiếp tục chỉ đạo, giám sát các thương nhân đầu mối kinh doanh nhiên liệu bay rà soát để giảm giá bán nhiên liệu bay tương ứng với giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này trong thời gian thực hiện khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực.
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 31/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, do thực hiện chính sách giãn cách xã hội nên ngành Hàng không nói chung và các doanh nghiệp vận tải hàng không nói riêng phải hạn chế hoạt động, thậm chí có thời điểm ngành Hàng không gần như đóng băng.
Với đặc thù của Việt Nam, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay có tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp vận tải hàng không. Do đó, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ là giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới đối với ngành Hàng không.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ tác động làm giảm chi phi cấu thành giá nhiên liệu bay, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành Hàng không; đồng thời gián tiếp thúc đẩy một số ngành nghề khác như thương mại, du lịch, dịch vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.