Ráo riết kiểm soát chất lượng tín dụng
Nhiều ngân hàng đang cân nhắc làm sao có thể phát huy tối đa hiệu quả của dòng vốn cũng như hạn chế được những rủi ro về nợ xấu.
Thực ra, không phải đến lúc này NHNN mới đặt ra yêu cầu kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt chẽ mà ngay từ đầu năm 2018, trên cơ sở đánh giá các điều kiện, các cân đối tài chính của từng TCTD, NHNN đã giao chỉ tiêu cụ thể và phù hợp với từng TCTD. Thế nhưng, trong bối cảnh áp lực lạm phát đang tăng cao và kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay, việc kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng là điều cần thiết. Tuy nhiên việc nắn dòng tín dụng hướng đến nền kinh tế thực, trong khi kiểm soát chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… chẳng những khiến cho tín dụng dù tăng thấp song vẫn phát huy được hiệu quả đối với tăng trưởng kinh tế, mà còn giảm thiểu rủi ro nợ xấu phát sinh.
Bởi vậy, trao đổi phóng viên Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo các NHTM cho biết, mỗi ngân hàng đều đang nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát chất lượng tín dụng những tháng cuối năm.
Một lãnh đạo VietBank nói, mục tiêu phát triển của ngân hàng trong thời gian tới là ngân hàng bán lẻ hiện đại. Để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân và tạo doanh thu cho ngân hàng nhưng đồng thời hạn chế rủi ro đòi hỏi các ngân hàng phải kiểm soát và quản lý chất lượng tín dụng thật hiệu quả. Theo đó, việc kiểm soát chất lượng khoản vay cũng được ngân hàng ráo riết tiến hành bằng nhiều hình thức như: bộ phận nào được tự quyết định cho vay bao nhiêu, cho ai vay và cho vay lĩnh vực nào... phải đáp ứng được yêu cầu về an toàn vốn.
Đồng quan điểm về kiểm soát chất lượng khoản vay, một Phó tổng giám đốc của Eximbank cho rằng, từ trước đến nay mỗi ngân hàng đều có thể sử dụng rất nhiều các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, chỉ tiêu được sử dụng thường xuyên nhất vẫn dựa trên tổng dư nợ tính toán với tỷ lệ nợ quá hạn và vòng quay vốn tín dụng.
Gần đây, các ngân hàng còn phải dựa trên nhiều yếu tố khác để có thể đánh giá lại chất lượng tín dụng sao cho phù hợp quy định mới. Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2018, các ngân hàng đều báo cáo tổng dư nợ tăng, có khả năng mở rộng khách hàng, khả năng tiếp thị của ngân hàng cũng như trình độ cán bộ công nhân viên của ngân hàng cao… Mặc dù vậy, chỉ tiêu này cao thì chưa hẳn chất lượng khoản vay tốt, mỗi ngân hàng đã và đang rà soát lại tất cả các khoản vay để có thể đưa ra được giải pháp khắc phục nhanh nhất.
Thực tế, nhiều ngân hàng đang cân nhắc làm sao có thể phát huy tối đa hiệu quả của dòng vốn cũng như hạn chế được những rủi ro về nợ xấu. Để làm được điều đó, bên cạnh kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nhiều ngân hàng đồng tình cho rằng họ đang tìm mọi cách để có được tốc độ vòng quay vốn tốt nhất. Chỉ tiêu này thường được các ngân hàng tính toán hàng năm để đánh giá khả năng tổ chức quản lý vốn tín dụng và chất lượng tín dụng trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trong phần lớn báo cáo tài chính của các ngân hàng 6 tháng đầu năm 2018 đều thể hiện tốc độ vòng quay vốn tín dụng cao, điều này chứng tỏ nguồn vốn vay ngân hàng đã tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, có một điểm buộc các ngân hàng phải tính toán lại đó là lượng vốn tín dụng vào tiêu dùng và bất động sản cũng có xu hướng tăng lên gây tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo các lãnh đạo ngân hàng, họ đang phải linh hoạt hơn trong chiến lược hoạt động của mình sao cho vừa tăng trưởng nhanh, vừa đảm bảo bám sát các hệ số an toàn. Đặc biệt hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM lúc này phải thận trọng bởi từ hệ số này nó còn liên quan đến việc lựa chọn của NHNN để cấp chỉ tiêu hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2019. Nên ngay từ lúc này các ngân hàng đã phải lựa chọn cho mình một con đường hoạt động an toàn sẽ được trao hạn mức tín dụng cao hoạt động kém an toàn có thể hạn mức tín dụng cho năm sau sẽ bị giới hạn.