Tín dụng tăng chậm chưa hẳn là điều đáng lo
Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng theo các chuyên gia, đây không phải là điều đáng lo ngại. Điều quan trọng vẫn là đảm bảo được dòng vốn vào đúng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Nhiều ý kiến cho rằng với những kết quả đã đạt được trong 2 quý vừa qua, cùng với diễn biến tình hình hiện nay, dường như tăng trưởng tín dụng không có áp lực gì lớn. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 17% là hoàn toàn khả thi, bởi thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Không có gì bất thường
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 20/6, tăng trưởng tín dụng đạt 6,35%, giảm 1,19% so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 7,54%). Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 8,7%).
Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, tín dụng đã tăng thêm 0,15%. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 6, mức tăng chậm lại so với những tháng trước.
Cụ thể, tín dụng tháng 4 đạt 5%, sang tháng 5 tăng thêm 1,16%, nhưng đến tháng 6 mức tăng chậm lại, chỉ còn tăng thêm 0,34%.
Theo các chuyên gia, đây là diễn biến trái với mọi năm khi tín dụng tháng 6 thường tăng rất mạnh do là thời điểm các ngân hàng chốt báo cáo kết quả kinh doanh bán niên nên cần làm đẹp các con số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vào thời điểm chuẩn bị chạy nước rút cho mùa kinh doanh cuối năm nên nhu cầu vay vốn sẽ tăng cao.
Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, có ý kiến cho rằng tín dụng tăng trưởng chậm lại không có gì bất thường, bởi so với năm ngoái, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có phần bất ổn hơn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Vì vậy, dường như các chính sách kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có phần nào chặt chẽ hơn.
Kể từ đầu năm đến nay, NHNN liên tiếp có các công văn chỉ đạo các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ vốn vào các lĩnh vực rủi ro cao như: bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT. Thậm chí, trước sự tăng nóng của tín dụng tiêu dùng chảy vào bất động sản, NHNN đã cảnh báo các ngân hàng thương mại.
Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho thấy, tính đến ngày 20//7, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 7%. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn cũng đạt gần 7% và chiếm tỷ lệ 20% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với công nghiệp xây dựng tăng hơn 7%, chủ yếu tập trung vào chế tạo chế biến; cho vay DN nhỏ và vừa khoảng 3%; dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro tiếp tục duy trì ở mức thấp…
Đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 |
Tăng trưởng tối đa chỉ ở mức 17%
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết, hiện nay, room tín dụng đã gần cạn kiệt, tuy nhiên việc xin nới room không dễ dàng.
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, thời điểm này mọi năm, NHNN đã bắt đầu xem xét nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại đáp ứng đủ điều kiện về thanh khoản tốt, tài chính minh bạch, lành mạnh, nhưng năm nay, NHNN vẫn chưa có bất cứ động thái nào nới room cho các ngân hàng.
Thậm chí, mới đây, NHNN có Công văn số 5321/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc thực hiện quy định về lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên.
NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NHNN thông báo, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với doanh nghiệp được đánh giá có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Nhận định về tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm, một số chuyên gia cho rằng tín dụng tăng chậm chưa hẳn là điều đáng lo. Thậm chí, việc tín dụng tăng chậm hơn huy động là điều tích cực. Một mặt giúp các ngân hàng duy trì trạng thái thanh khoản tốt hơn, mặt khác sẽ giúp các ngân hàng tránh được những rủi ro, bởi việc giải ngân chậm lại không phải vì nền kinh tế không hấp thụ được, các doanh nghiệp không có nhu cầu vay cao mà nằm ở vấn đề lo ngại nợ xấu tăng.
Vì vậy, sự thận trọng của NHNN cũng như các ngân hàng thương mại sẽ đảm bảo được an toàn cho hệ thống, không đẩy một số thị trường vào tăng trưởng nóng.
Ts. Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết thời gian tới, NHNN tiếp tục thường xuyên có văn bản chấn chỉnh cảnh báo các ngân hàng đặc biệt lưu ý lĩnh vực rủi ro để đảm bảo dòng vốn thông suốt và chảy đến đúng địa chỉ.
“Với diễn biến tăng trưởng tín dụng như hiện nay, đến cuối năm 2018, tín dụng có thể đạt 14- 15% hoặc có thể cao hơn nhưng tối đa chỉ ở mức 17%. Điều quan trọng nhất đối với vấn đề này không phải là con số tăng bao nhiêu mà là đảm bảo dòng vốn vào đúng nơi sản xuất, kiểm soát vốn vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, chứng khoán, bất động sản”, ông Hùng khẳng định.