Tín dụng tiêu dùng: Cẩn trọng, phòng tránh rủi ro
6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm lại, nhưng nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục nhờ tập trung mảng cho vay cá nhân tiêu dùng tiềm năng.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng quá nhanh của dòng vốn tín dụng tiêu dùng, có thể tạo ra những sai lệch so với định hướng.
Đón đầu tâm lý chi tiêu cởi mở
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chi tiêu của người dân ngày càng tăng. Theo kết quả khảo sát của Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng quý I-2018 khu vực Đông Nam Á rất lạc quan, tăng 2 điểm từ mức 119 ở quý IV-2017 lên 121 điểm. Trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia đạt điểm số cao nhất, và nằm trong nhóm 5 nước có chỉ số niềm tin tăng hàng đầu trên thế giới.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam, nhận định sự tự tin của người tiêu dùng có thể dựa trên các tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Cụ thể, các nước mới nổi như Việt Nam, Philippines và Malaysia có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 5-7% trong quý cuối năm 2017.
Trước mảnh đất màu mỡ như vậy, nhiều NH tuyên bố sẽ nỗ lực để trở thành NH bán lẻ hàng đầu khi tăng cường các gói vay tiêu dùng cá nhân. Hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; tỷ lệ lãi cận biên của hệ thống NH đã giảm và duy trì ở mức dưới 3%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Đà tăng trưởng kinh tế ở các ngành công nghiệp, kết hợp với tín hiệu tích cực dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), việc tăng thu nhập hộ gia đình và chính sách định hướng tăng trưởng của Chính phủ có thể chuyển thành sự lạc quan của người tiêu dùng.
Về chi tiêu, những năm gần đây người tiêu dùng đã sẵn sàng chi nhiều hơn cho các khoản mục lớn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, như mua sắm, du lịch, mua sản phẩm công nghệ mới, vui chơi giải trí, sửa chữa nâng cấp nhà cửa.
Theo thống kê, lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I-2018 ước tính 54 triệu người, trong đó phần lớn là lao động trẻ. GDP bình quân đầu người cũng tăng, ước đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385USD, tăng 170USD so với năm 2016.
Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt đang dần thay đổi. Thay vì tích lũy, tiết kiệm đủ số tiền để mua sản phẩm mình mong muốn, nhiều người đang hướng đến việc mua sản phẩm và thanh toán bằng các khoản tích lũy sau đó. Song song đó, sự phát triển của hệ thống bán lẻ hiện đại theo chuỗi, dần thay thế cho cửa hàng riêng lẻ truyền thống, cũng giúp nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với số lượng lớn khách hàng vay.
Xu hướng chi tiêu cởi mở của người dân đã tạo nên làn sóng chuyển hướng bán lẻ mạnh mẽ trong các tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua, đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng đi lên đáng kể. Tại thời điểm cuối năm 2017, tín dụng tiêu dùng tăng khoảng 65%, trong khi năm 2016 tăng 50,2%. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ đã tăng từ mức 12,3% (năm 2016) lên 18% (năm 2017).
Trong báo cáo tình hình kinh tế tài chính 6 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6 tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 8,7%). Tuy nhiên, dư nợ phục vụ đời sống có mức tăng khá. Các chuyên gia nghiên cứu thị trường nhận định, tín dụng tăng chậm lại phản ánh sự thận trọng từ NHNN đối với cung tiền M2 và cho vay mới, do lạm phát đang tăng tốc.
Tuy vậy, triển vọng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các NHTM đang rất khả quan, với lợi nhuận trước thuế dự báo tăng trưởng 50-150% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đến từ đóng góp của các dòng thu nhập ngoài lãi cao hơn, chi phí dự phòng giảm và các khoản lợi nhuận không thường xuyên tăng tốt, đặc biệt tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) - chênh lệch lãi suất giữa huy động và đầu tư tín dụng - tăng nhờ lãi suất tăng.
Chẳng hạn tại VPBank, tỷ lệ NIM hợp nhất tăng 0,5% so với cùng kỳ và tăng 0,23% so với đầu năm lên 9,21%. Trong các tài sản sinh lãi, lợi suất cho vay khách hàng tăng 0,57% lên 11,85%, cao hơn nhiều NH khác do tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân và cho vay không có tài sản đảm bảo cao. Tỷ lệ NIM của MB tăng 0,35% so với cùng kỳ lên 4,65%. Lợi suất cho vay khách hàng tăng 0,83% lên 9,32%. Đây là kết quả của sự tăng trưởng mạnh mẽ cho vay khách hàng cá nhân với lợi suất cao hơn.
Cải thiện lợi nhuận từ tiêu dùng
Hiện nay, trong khoảng 95 triệu dân có hơn 30 triệu người thu nhập trung bình dưới 10 triệu đồng/tháng, có nhu cầu tài chính tiêu dùng. 10 năm qua ngành tài chính bán lẻ mới phục vụ khoảng 10 triệu khách.
Cải thiện lợi nhuận từ tiêu dùng
Hiện nay, trong khoảng 95 triệu dân có hơn 30 triệu người thu nhập trung bình dưới 10 triệu đồng/tháng, có nhu cầu tài chính tiêu dùng. 10 năm qua ngành tài chính bán lẻ mới phục vụ khoảng 10 triệu khách.
Tuy nhiên, theo định hướng giữ ổn định và phấn đấu giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và NHNN, các NH không thể nâng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp để tăng hệ số NIM. Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều NH và công ty tài chính đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, bán lẻ nhằm bù đắp nguồn lợi nhuận. Bởi với các khoản vay tiêu dùng, NH có thể áp lãi suất cao hơn 2-3% so với lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh. Thậm chí, những NH sở hữu công ty tài chính (CTTC) còn có thể cải thiện rất lớn thành tích hoạt động.
Tính đến thời điểm này có 16 CTTC hoạt động với tổng vốn điều lệ đạt 17.468 tỷ đồng. Trong đó đa số CTTC trực thuộc NHTM và dự kiến sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các NH trong những năm tới. Như CTTC trực thuộc VPBank là FE Credit hàng năm đóng góp lợi nhuận rất lớn trong tổng lợi nhuận NH hợp nhất, đưa NH này đứng vào nhóm những NHTMCP có lợi nhuận dẫn đầu thị trường trong vài năm gần đây.
Hoặc CTTC HDSaison thuộc HDBAnk cũng mang lại động lực tăng trưởng lớn cho NH.
Lãnh đạo các NH nhận định, so với cho vay doanh nghiệp, cho vay tiêu dùng cá nhân cũng giảm thiểu rủi ro cho các TCTD vì món vay nhỏ, dễ thẩm định và dễ bù đắp nhưng đem lại lãi cao. Hơn nữa, trong bối cảnh dư nợ và nợ xấu tập trung phần lớn tại khối doanh nghiệp nhà nước, một phần dòng vốn tín dụng đã được điều tiết sang khu vực hộ gia đình. Xu hướng này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung hạn, góp phần san sẻ rủi ro trong nền kinh tế.Theo đó, người dân tiếp cận dòng vốn tín dụng chính thức, gián tiếp góp phần thu hẹp quy mô hoạt động tín dụng ngầm trong nền kinh tế.
Trong vòng 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gấp 5 lần. Cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Trong thị trường cho vay tiêu dùng, các NHTM chiếm vai trò chủ đạo. Nếu tính cả các khoản vay để mua nhà, các NHTM chiếm 90% thị phần, không tính các khoản vay này các NHTM cũng chiếm đến 80% thị phần. Cho vay tiêu dùng dự báo sẽ tiếp tục được mở rộng trong những năm tiếp theo, nhờ tăng trưởng từ ngành dịch vụ bán lẻ hàng năm lên tới 14%, biên lợi nhuận cao nhờ chênh lệch lớn giữa lãi suất đầu vào và đầu ra.
Cần giải pháp quản lý rủi ro
Cần giải pháp quản lý rủi ro
Thực tế, tại nhiều NHTM tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân trong tổng dư nợ của NHTM đang không ngừng tăng. Vào cuối quý II-2017 cho vay cá nhân của MB tăng trưởng 17,3% so với đầu năm, đạt 70.513 tỷ đồng, đóng góp 34,4% vào tổng dư nợ (quý II-2017 là 30,3%).
6 tháng đầu năm nay quy mô dư nợ cho vay cá nhân của VIB ở nhóm cao nhất trong số các NHTM và đứng đầu về giải ngân mới cho vay ô tô với trên 30% thị phần, cũng như tốc độ tăng trưởng cho vay mua nhà cá nhân đạt tỷ lệ 78%, tập trung chủ yếu cho vay nhà có sổ hồng, sổ đỏ và cho vay sửa chữa nhà.
Tuy nhiên, nhiều cảnh báo về rủi ro có thể gặp nếu các TCTD đẩy mạnh cho vay tiêu dùng quá mức, dẫn đến việc người dân vay mượn vượt quá khả năng chi trả của bản thân. Bởi lẽ, tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam khá thấp trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực.
Dựa trên những phân tích về xu hướng hành vi tiêu dùng, cho thấy tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai và người dân sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện tại. Điều này làm gia tăng quan ngại về khả năng trả nợ. Ngoài ra, một vấn đề rủi ro của cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là cho vay mua nhà ẩn trong tín dụng tiêu dùng quá lớn.
Theo NHNN, vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng và đã khống chế tỷ lệ cho vay bất động sản ở khoảng 7,5%. Nhưng nếu tính cả dư nợ cho vay mua, sửa chữa nhà ở trong cho vay tiêu dùng, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ở trên mức 20%. Dòng vốn tín dụng tiêu dùng chảy vào khu vực bất động sản là động lực rất lớn hỗ trợ sự hồi phục của thị trường, nhưng cũng góp phần tạo nên sai lệch trong cách tính toán và số liệu công bố về dòng vốn tín dụng bất động sản.
Mặc dù NHNN đã cảnh báo các TCTD siết chặt vốn vào các lĩnh vực rủi ro trong đó có cho vay tiêu dùng, nhưng nếu không bóc tách cho vay mua nhà khỏi cho vay tiêu dùng, hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.