Rủi ro dịch chuyển vốn đầu tư
Mặc dù bong bóng tài sản rất khó xảy ra với chứng khoán và bất động sản theo đánh giá của cơ quan chức năng, song rủi ro của các lĩnh vực này đã hiện hữu cục bộ.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến hết tháng 3/2021, tổng dư nợ của toàn nền kinh tế 9,46 triệu tỉ đồng. Trong đó dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán và tín dụng bất động sản chiếm 19%.
Nỗi lo hiện hữu
Tại Công văn số 3029/NHNN-TTGSNH ngày 9/5/2021 gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN cho biết: “Năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao. Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Về cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng mạnh so với năm trước”.
Rõ ràng, cơ quan chức năng cũng đã xác thực một phần nào đó các dấu hiệu rủi ro trong hệ thống với các TCTD và các hoạt động cho vay bất động sản và chứng khoán. Và nỗi lo rủi ro tiềm ẩn không phải không có thật.
Cũng theo NHNN, tổng tiền gửi tại các TCTD đã vượt 10 triệu tỉ đồng cuối năm 2020, tăng gấp 2 lần trong 5 năm qua, và tiền CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của các ngân hàng tăng mạnh, có thể thấy trong khi nền kinh tế vẫn đang gặp thách thức Covid-19, chưa thể hấp thu được hết cung tiền đã mở rộng khá nhanh trong 2020, thì người dân đã chọn gửi tiền vào ngân hàng chờ thời đầu tư.
Trong khi tiền gửi tại nhóm ngân hàng quốc doanh và nhóm có lãi suất cao top đầu hệ thống như SCB, Sacombank, Kienlongbank.... vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, thì tiền gửi tại nhiều TCTD khác bị suy giảm trong quý I/2021.
Sự suy giảm này tỷ lệ nghịch với tốc độ mở mới tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán, cho thấy một phần tích lũy của người dân và doanh nghiệp đã vào chứng khoán, bất động sản.
Rủi ro vẫn tiềm ẩn
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tiền rẻ vẫn còn được duy trì, thì xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư này sẽ tiếp tục, tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế.
Lượng CASA tăng ở các ngân hàng là tín hiệu tích cực của việc phát huy hiệu quả ngân hàng số và thanh toán điện tử, nhưng cũng phản ánh nhu cầu "gửi vốn chờ thời" sẵn sàng dịch chuyển vốn đầu tư bất cứ lúc nào
Không phải ngẫu nhiên mà trong 10 điểm yêu cầu các TCTD phải thực hiện mới đây, NHNN dành tới 5 điểm nội dung yêu cầu tựu trung về tăng cường chất lượng tín dụng, trong đó có kiểm soát tín dụng bất động sản, siết chặt các điều kiện cho vay tiêu dùng (lưu ý là tại nhiều TCTD, việc cho vay mua sửa chữa nhà ở vẫn được tính vào tiêu dùng); kiểm soát tín dụng mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán; cân đối vốn BOT và BT, rà soát tín dụng trái phiếu và giám sát việc sử dụng vốn của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Trong bối cảnh các kênh đầu tư tài sản đang được đặt ra nguy cơ có thể xuất hiện bong bóng giá khi tiền rẻ chảy vào các thị trường, một lo ngại mới được đặt ra là lạm phát "mở rộng" từ các gói tiền tệ lớn của thế giới cũng sẽ "chia" hiệu ứng đến Việt Nam.
“Chúng ta không lo lạm phát vì các nhà quản lý rất giỏi điều trị lạm phát. Nhưng chính sách tiền tệ cân đối thế nào trong bối cảnh và các điều kiện hiện nay để không xúc tác cho các rủi ro tiềm ẩn thành hiện hữu, điều hành để nền kinh tế từ hòa đến phát và vượt qua cả những tác động bên ngoài? Chính sách tiền tệ theo đó đã và đang phải hết sức thận trọng”, TS. Trương Văn Phước, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế Thủ tướng đánh giá.