Rủi ro rất lớn nếu "ép" ngân hàng bơm tiền
Mở rộng tín dụng, các ngân hàng đang phải chấp nhận đánh cược với nền kinh tế, vì nếu nền kinh tế xấu đi, ngân hàng là người chịu trận đầu tiên. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng không cần thiết "ép" mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, bởi rủi ro cho ngân hàng rất lớn.
Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức hai con số, song không mang quá nhiều ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi một phần trong đó là do các doanh nghiệp đảo nợ.
Tăng trưởng tín dụng thực tế thấp hơn mục tiêu là phù hợp
Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn. Khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả, tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay. Đồng thời, nợ xấu có xu hướng tăng tại một số tổ chức tín dụng, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng. Theo đó, nhu cầu tín dụng tăng chậm ở hầu hết các ngành, cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu là phù hợp với tăng trưởng kinh tế. Bởi, mục tiêu đầu năm đề ra là tăng trưởng kinh tế (GDP) 6,5% thì tăng trưởng tín dụng cũng phải tương ứng ở khoảng 14%. Đến nay, khả năng tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu, chỉ khoảng 5%, thì tăng trưởng tín dụng cũng phải thấp theo, chỉ vào khoảng 10% - 11% là phù hợp.
Trên thực tế, nhìn vào tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong quý III/2023 có thể thấy tăng trưởng tín dụng có sự phân hoá. Một số ngân hàng có mức tăng trưởng rất thấp, song cũng có nhà băng ở mức tích cực.
Tuy nhiên, dù có tốc độ tăng trưởng tín dụng ấn tượng, một số ngân hàng vẫn lo lắng. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank: "Việc tăng tín dụng lớn như vậy là rất rủi ro, là sự dũng cảm của Ban lãnh đạo ngân hàng, chúng tôi chấp nhận "5 ăn 5 thua", rót vốn vào những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, dù đây là những lĩnh vực rủi ro cao".
Ông Vinh cũng thẳng thắn nhìn nhận, VPBank thời gian qua đã tập trung mở rộng, tạo thuận lợi về điều kiện cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy vậy, mở rộng và tạo điều kiện cho vay thuận lợi hơn cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận rủi ro lớn hơn.
"Thực tế, các ngân hàng đang phải chấp nhận đánh cược với nền kinh tế. Nếu nền kinh tế xấu đi, ngân hàng là người chịu trận đầu tiên", ông Vinh nói.
Ngoài ra, VPBank tối ưu hóa vận hành hệ thống, giảm lãi suất cho vay, giảm phí, giảm thu nhập để hỗ trợ khách hàng. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2023, tổng mức giảm phí, lãi suất khiến lợi nhuận ngân hàng giảm gần 2.000 tỷ đồng.
Tổng giám đốc VPBank cho biết, doanh nghiệp muốn lãi vay giảm thêm, song lãi suất huy động đầu vào vẫn cao, VPBank đang vay các định chế tài chính nước ngoài bằng USD với lãi suất 5-6%/năm, quy đổi ra VND là trên dưới 10%/năm. Với lãi suất cho vay hiện nay (ngắn hạn 7%/năm, trung dài hạn 8-10%/năm), ngân hàng đang lỗ.
Không cần thiết “ép” tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá
Bình luận về vấn đề này, TS. Phạm Thế Anh cho rằng không cần thiết "ép" mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.
Ông Thế Anh dẫn chứng, tăng trưởng tín dụng đạt 9,15% đến hết tháng 11 và nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số cả năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng này không mang quá nhiều ý nghĩa đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi một phần trong đó là do các doanh nghiệp đảo nợ.
"Tăng trưởng tín dụng sắp đạt hai con số chủ yếu do doanh nghiệp đảo nợ. Trong năm nay, doanh nghiệp đua nhau tất toán trái phiếu trước hạn, ngoài đảo nợ để mua lại trái phiếu doanh nghiệp còn có tình trạng đảo nợ tín dụng", ông nói.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 -15% sẽ không đạt được bởi phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 "kịch khung" chỉ khoảng 11%.
Kém lạc quan hơn, chuyên gia tại Công ty Chứng khoán VPBank vừa dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng ca năm chỉ ở mức 9,6%-10,7%. Cơ sở là lãi suất cho vay tăng mạnh vào cuối 2022 chỉ mới được điều chỉnh vào cuối quý I/2023 và trên nền tăng trưởng tín dụng thấp, trong khi các rủi ro liên quan trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cùng bất ổn chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn, đồng thời Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn phải hết sức chú ý giữ ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá).
Các chuyên gia nhận định, chính sách tiền tệ trong thời gian tới vẫn đang hướng tới mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng khi sức cầu trong nước còn rất yếu. Vì vậy, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong năm tới là duy trì nền lãi suất thấp, điều tiết ổn định tỷ giá khi cần.
Tuy nhiên, lãi suất chính sách hiện không có dư địa giảm vì đã tới đáy, chỉ còn lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm. Trong khi đó, nếu "ép" tăng trưởng tín dụng bằng cách hạ lãi suất cho vay và đẩy vốn ra nền kinh tế bằng mọi cách sẽ dẫn đến rủi ro nợ xấu. Vì vậy, muốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa hơn là chính sách tiền tệ.