Rủi ro suy giảm chất lượng tài sản ngành Ngân hàng năm 2024 vẫn lớn

Tuấn Thủy

Mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023 nhưng áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn là đáng kể và có ựu phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu lên cao nhất từ năm 2015

Theo Báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành Ngân hàng tại quý III/2023 đạt 2,2%, tăng 64 điểm cơ bản so với năm 2022 và là mức NPL cao nhất từ năm 2015.

Hình 1: Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng 

Nguồn: MBS Research
Nguồn: MBS Research

Hầu như các ngân hàng đều tiếp tục ghi nhận NPL gia tăng tại quý III/2023 so với đầu năm và các quý liền trước. Trung bình, các ngân hàng thương mại quốc doanh (Big4) có mức tăng 0,4% so với đầu năm, trong khi con số này ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là 0,7%.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đạt 140 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống). Trong đó, VPBank có nợ cơ cấu 14.900 tỷ đồng (tương đương 2,86% dư nợ) và BIDV với gần 20.000 tỷ đồng (khoảng 1,5% dư nợ), giúp cho việc kiểm soát nợ xấu tốt hơn trong quý này.

Các ngân hàng còn lại do áp lực nợ xấu không quá lớn và không ưu tiên sử dụng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (do phải trích lập nhiều hơn) nên phần nợ tái cơ cấu chiếm tỷ trọng không nhiều trong tổng dư nợ (VCB 0,14%, ACB 0,4%, TCB 0,27%, MSB 0,25%, HDB 0,5%).

Điểm tích cực về chất lượng tài sản của ngành Ngân hàng trong quý III/2023 được thể hiện ở dư nợ nhóm 2 ghi nhận giảm 7,7% so với quý II, trong khi các quý trước tăng liên tục, nợ xấu hình thành tăng chậm hơn so với quý liền trước ở tất cả các nhóm ngân hàng.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), áp lực lên nhóm ngân hàng TMCP lớn và vừa (MBB, TCB, TPB, MSB…) vẫn còn do chịu tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và những khó khăn từ phân khúc khách hàng cá nhân. 

Hình 2: Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng

Nguồn: MBS Research
Nguồn: MBS Research

Song song với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cũng suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, ghi nhận 93,8% (tỷ lệ này năm 2022 là 136,9%). LLR của nhóm Big4 cao hơn đáng kể so với nhóm ngân hàng TMCP. 

Áp lực dự phòng lớn bào mòn lợi nhuận 2024

Theo MBS, mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023 và chi phí trích lập toàn Ngành đang có xu hướng tích cực, khi quý I/2023 tăng 16,1% so với cùng kỳ nhưng 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 5,4%.

Tuy nhiên, áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn là đáng kể. Nguyên nhân là dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều khi kết quả kinh doanh cả năm 2023 được dự báo sẽ kém khả quan.

Đặc biệt, khi hiệu lực của Thông tư số 02/2023/NHNN-TT hết hạn vào 30/06/2024 (đang được NHNN cân nhắc gia hạn) áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng. Do đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng tạm thời sẽ được kiểm soát ở mức hiện tại cho đến hết năm 2023 nhưng sẽ cần lưu ý hơn khi bước sang năm 2024.

Hình 3: Dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và nợ xấu của một số ngân hàng

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

MBS cho rằng, áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và đưa chất lượng tài sản về mức thấp có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn, vì vậy, sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Hiện tại, tỷ lệ LLR giữa các ngân hàng có sự phân hoá rõ rệt, nhóm Big4 vẫn duy trì bộ đệm trên 200%, trong khi tỷ lệ này ở các nhóm ngân hàng còn lại đều đã dưới mức 100% tính đến quý III.

Theo KBSV, các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, trích lập đầy đủ, bộ đệm dự phòng vững chắc, ít phơi nhiễm với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Nhóm ngân hàng top dưới với tỷ kệ bao phủ thấp (chỉ dưới 50%) sẽ chịu nhiều áp lực và không có dư địa để loại bỏ nợ xấu ra khỏi bảng cân đối.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc thanh lý các tài sản đảm bảo, dù các tài sản đảm bảo có mức chiết khấu đáng kể so với giá thị trường trước đây. Lợi nhuận quý IV/2023 và cả quý I/2024 có khả năng tiếp tục bị “bào mòn” bởi áp lực nợ xấu. Đây là giai đoạn các ngân hàng phải cân bằng giữa các vấn đề như tăng trưởng kinh doanh, quản lý rủi ro, duy trì lợi nhuận, hỗ trợ khách hàng.