SAB đắt hay rẻ?

Theo Thy Nhã/saigondautu.com.vn

Với mức giá 260.000-280.000 đồng/CP, P/E của SAB (Sabeco) dao động quanh vùng 35-37 lần. Trong khi đó, P/E của một số tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất bia như Carlsberg hay Heineken chỉ rơi vào tầm 20 hay 21 lần.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngay cả khi SAB có giá 200.000 đồng/CP đã có nhiều ý kiến cho rằng CP này đắt. Xét về cơ cấu sở hữu, hiện Nhà nước đang nắm giữ gần 90% cổ phần của SAB trong khi NĐTNN giữ hơn 9% cổ phần. Trong bối cảnh của TTCK hiện nay, giả định có khoảng 10% cổ phần của SAB, tức hơn 64 triệu CP (phần lớn thuộc về NĐTNN) có thể đem ra bất cứ lúc nào, nhưng chưa chắc những ai nắm giữ cũng muốn bán, vì đơn giản SAB đang liên tục tăng giá. 
Tuy vậy, dù liên tục tăng giá nhưng P/E của SAB chỉ là một lăng kính để đánh giá CP, vì trong P/E còn có cả chỉ số PEG dành để định giá tương lai. Còn mở rộng ra để đánh giá CP còn phải tính đến khả năng tăng trưởng, giá trị thương hiệu, thị phần. Lợi thế của SAB là một thị trường tiêu thụ bia lớn và giá trị thương hiệu rất lớn. Hiện nay tại một số thị trường tiêu thụ bia lớn trên thế giới đang có xu hướng sụt giảm doanh số. Vì vậy, sở hữu cổ phần của SAB - một công ty vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong một thị trường lớn - rõ ràng là một lợi thế. Do đó, ngoài miệng có thể chê đắt nhưng việc NĐT vẫn muốn mua SAB cũng là điều bình thường. 
Một trong những thông tin có thể xem như lực đẩy cho SAB thời gian gần đây là chủ trương thoái vốn của Nhà nước tại SAB. Theo lập luận của thị trường, SAB được xem là món hàng hot, nên bên bán sẽ không chấp nhận mức giá thấp, còn bên mua cũng phải đưa một mức giá hợp lý, từ đó CP sẽ phải tăng giá.
Đó cũng là lý do SAB thời gian gần đây thu hút cả dòng tiền ngắn hạn nhằm tận dụng những thông tin liên quan đến thoái vốn để tìm kiếm lợi nhuận. Tuy vậy bên bán cũng không thể chào giá quá cao, bởi bên mua cũng chỉ chấp nhận mức giá để có thể tiếp tục tạo ra cơ hội sinh lời, nên không phải CP muốn tăng bao nhiêu cũng được. Chính vì thế, khi SAB tăng lên đến 285.000 đồng/CP, sau đó đã phải điều chỉnh trở lại xuống mức dưới 270.000 đồng/CP. 
Câu chuyện của SAB không chỉ có người bán và người mua CP này với mục tiêu sở hữu nữa, mà còn liên quan đến cả thị trường. SAB, MSN vốn là 2 tác nhân quan trọng để VN Index vượt qua ngưỡng 800 điểm một cách dễ dàng, trong đó SAB đã tăng từ 250.000 đồng/CP lên 285.000/CP trong vòng chưa đến chục phiên.
Lúc này, SAB đương nhiên là CP dẫn dắt của thị trường và gây áp lực đối với các NĐT tổ chức. Theo đó, tổ chức nào sở hữu SAB sẽ rất vui vì thị trường vừa lên mà danh mục của mình cũng tăng giá trị. Nhưng với những quỹ không có SAB, VN Index tăng nhưng giá trị danh mục không tăng sẽ phải chịu sức ép. Một trong số đó chính là việc có nên mua vào SAB hay không.
Nhìn lại sở hữu nước ngoài tại SAB kể từ khi CP này lên sàn vào cuối năm 2016, sẽ dễ dàng thấy được cơ cấu sở hữu theo chiều hướng tăng lên, dù không lớn vì có nhiều hàng để mua. Còn theo dõi trong từng phiên sẽ thấy nhiều phiên khối ngoại mua vào từ vài ngàn đến vài chục ngàn SAB nhưng đặc điểm là cung-cầu khá cân bằng.
Có một số phiên cá biệt khối ngoại cung hàng khá nhiều, với xu hướng đánh ngắn, chốt lời. Song chỉ cần về những mức giá hợp lý là lại có lực mua nội khối để cân bằng cung-cầu cũng như giá trị. Đặt trong bối cảnh thị trường vẫn diễn biến tích cực, SAB được xem có vai trò dẫn dắt, việc sở hữu SAB có thể là giải pháp để danh mục có tính thị trường. Điều này sẽ tạo ra lực cầu ổn định cho SAB trong ngắn hạn. 
Tuy nhiên, về mặt dài hạn, giá trị của CP cũng sẽ phải về gần với giá trị thực nhất. Chưa thể khẳng định một mức giá “fair” cho SAB là bao nhiêu, nhưng cần lưu ý vai trò dẫn dắt của CP luôn có sự luân phiên trong khoảng 1 năm qua. Từ CP ngân hàng, đến CP bất động sản, chứng khoán, gần đây khi VN Index vượt 750 điểm, PLX (Petrolimex) là CP dẫn dắt, còn VN Index vượt 800 điểm lại do SAB dẫn dắt.
Nếu sắp tới đây có một CP hay một nhóm CP đủ sức thay thế vai trò dẫn dắt của SAB, biến động của SAB trong từng phiên sẽ giảm. Một tín hiệu trong những ngày gần đây chính là việc một số CP, như MWG, VJC (VietJetAir) hay HPG có xu hướng tăng mạnh mẽ trở lại. Trong khi HPG tạo những đỉnh mới, với việc công bố KQKD tích cực VJC cũng đã có một loạt phiên tăng tích cực.
Phiên 22/9, VJC tăng trần lên mức 104.700 đồng/CP, còn tính từ đầu tháng 9 đến nay blue chip này đã tăng hơn 20%. Đó cũng là những chỉ báo để thấy rằng, xu hướng trở về giá trị thực của bất cứ blue chip nào cũng sẽ sớm diễn ra cho dù CP đó đắt hay rẻ trong ngắn hạn, việc SAB đắt hay rẻ cũng sẽ sớm có câu trả lời.