Sách Trắng ODA của Nhật Bản: Hướng tới ASEAN để bảo đảm an ninh
(Tài chính) Đối diện với tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh và sự ổn định, Đông Nam Á tiếp tục là điểm đến không thể bỏ qua với Nhật Bản. Điều này thể hiện rõ nét trong Sách Trắng về vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) vừa công bố.
Trong Sách Trắng ODA 2014 vừa công bố, Nhật Bản đã kêu gọi thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và coi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm an ninh đất nước trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở khu vực. Qua văn kiện này, Nhật Bản không những tiếp tục khẳng định các nước ASEAN là thị trường vô cùng quan trọng, và môi trường thuận lợi dành cho đầu tư mà còn nhấn mạnh: việc phát triển và duy trì sự ổn định trong ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản, trong đó có việc bảo đảm an toàn cho hàng hóa của nước này khi lưu thông qua khu vực.
Trước đó, trong Sách Trắng ODA 2013 công bố tháng 2.2014, Tokyo đã kêu gọi tăng cường ODA cho châu Á và châu Phi, đồng thời cho rằng việc hỗ trợ các nước thành viên ASEAN là khoản đầu tư hiệu quả trong tương lai cho khu vực này và cả Nhật Bản. Năm 2013, ODA Nhật Bản đạt tổng cộng khoảng 22,53 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm trước, và chỉ đứng sau Mỹ. Với dân số hơn 600 triệu người, ASEAN nhận được nhiều ưu đãi từ nguồn ODA hàng năm của Chính phủ Nhật Bản.
Đánh giá về nội dung Sách Trắng ODA của Nhật Bản, giới phân tích nhận định chính quyền của Thủ tướng theo đường lối dân tộc Shinzo Abe đã một lần nữa công khai thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong bảo đảm an ninh khu vực tại châu Á. Thông qua các khoản ODA, Tokyo muốn có thêm các mối quan hệ chặt chẽ với những nước trong khu vực, khẳng định sự hiện diện mình tại Đông Nam Á, qua đó thiết lập sự cân bằng với Bắc Kinh tại địa bàn quan trọng này. Chính sách này xuất phát từ một thực tế: Trung Quốc đang có những bước đi nguy hiểm tại các vùng biển tranh chấp với những nước láng giềng ở Đông Nam Á và với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, mà dưới nhãn quan của Nhật Bản có thể hủy hoại hòa bình và an ninh tại châu Á. Giới phân tích quốc tế đánh giá, điều này không chỉ phản ánh mong muốn của Tokyo về tự do hàng hải tại khu vực mà còn ngầm thể hiện sự cứng rắn của nước này ngăn chặn nhiều ý đồ của Bắc Kinh.
Để đối phó với mưu đồ của Trung Quốc tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, kể từ tháng 12.2012, Nhật Bản đã khởi xướng và thúc đẩy khái niệm kim cương an ninh, kêu gọi Australia, Ấn Độ và bang Hawaii của Mỹ cùng Nhật Bản thành lập một vành đai kim cương bảo vệ tuyến hàng hải chung từ khu vực Ấn Độ Dương tới phía Tây Thái Bình Dương, còn gọi là tứ giác kim cương nhằm duy trì ổn định tại hai đại dương này.
Cũng không thể không gắn với Sách Trắng ODA 2014 với việc nội các Nhật Bản một tháng trước đó đã lần đầu tiên thông qua một hiến chương về viện trợ nước ngoài, cho phép sử dụng ODA để hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài trong những chiến dịch phi chiến đấu. Văn kiện này đánh dấu lần sửa đổi đầu tiên bản hiến chương về viện trợ quốc tế kể từ năm 2003 và dỡ bỏ các hạn chế trước đây - cấm Nhật Bản hỗ trợ tài chính cho quân đội nước ngoài do lo ngại những khoản tiền này có thể được sử dụng sai mục đích trong các xung đột quốc tế.
Hiến chương mới, vốn được biết đến với tên gọi Hiến chương ODA, đã được đổi tên thành Hiến chương Hợp tác Phát triển, trong đó nhấn mạnh, viện trợ cho quân đội nước ngoài sẽ được cân nhắc từng trường hợp và được đánh giá dựa trên kết quả thực tế trong hoạt động cải thiện đời sống của người dân - như cứu trợ thảm họa, xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các chiến dịch nhân đạo phi chiến đấu của lực lượng quân đội hoặc tổ chức nước ngoài.
Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Abe đang cân nhắc các lựa chọn chính trị để tăng cường sự hiện diện trên thế giới và giúp đưa Nhật Bản trở thành một nhân tố tích cực hơn, đủ khả năng tham gia giải quyết các xung đột quốc tế, nhất là những mối đe dọa trực tiếp tới lợi ích của Nhật Bản.
Xét một cách tổng thể, ODA trở thành một công cụ quan trọng của Nhật Bản để khẳng định vị thế và bảo đảm an ninh.