Sản phẩm OCOP mở hướng cho nông sản phát triển

Theo T.Trúc - D.Khánh/Báo Hậu Giang

Phát huy lợi thế với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian qua các địa phương trong tỉnh Hậu Giang đã chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP để góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển.

Cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát tích cực thực hiện sản phẩm OCOP. Ảnh: T.Trúc
Cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát tích cực thực hiện sản phẩm OCOP. Ảnh: T.Trúc

Mở rộng thị trường

Sau khi thành công với 3 sản phẩm đạt OCOP năm 2020, vừa qua cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tiếp tục vinh dự có thêm 1 sản phẩm rượu Khước lão - tửu Út Tây đạt 4 sao cấp tỉnh.

Sản phẩm là sự kết hợp giữa công thức ủ rượu gia truyền và các nguyên liệu đặc trưng ở các địa phương của Hậu Giang, từ đó tạo sản phẩm mang hương vị truyền thống và hiện đại. Do sử dụng các nguyên liệu quý, có chức năng bồi bổ sức khỏe nên mỗi chai Khước lão - tửu có giá bán lên đến 2,3 triệu đồng/chai, cao nhất trong tất cả các dòng sản phẩm của cơ sở. Và đây là sản phẩm chủ lực mà cơ sở chuẩn bị cung ứng trong dịp tết này.

Bà Võ Thị Phương Trang - chủ cơ sở cho biết: “Khước lão - tửu là bài thuốc gia truyền trong gia đình. Người anh đã sử dụng gần 20 năm, sức khỏe ổn định nên muốn gửi gắm đến người tiêu dùng. Bài thuốc này có nhiều dược liệu quý, kết hợp với sản phẩm rượu trắng của Út Tây đã được Bộ Y tế công nhận hàm lượng Methanol rất thấp nên phù hợp và rất tốt cho người ở tuổi trung niên”.

Ngoài sản phẩm Khước lão - tửu Út Tây thì trước đó cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây đã có 3 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3-4 sao và tìm được chỗ đứng trên thị trường. Minh chứng bằng sản lượng rượu bán ra tăng hàng năm. Nếu năm 2019, khi cơ sở mới bắt tay vào xây dựng sản phẩm OCOP, doanh số bán ra của cơ sở năm đó chỉ khoảng 5.000 chai rượu các loại, sang năm 2020 khi được công nhận thì con số này tăng lên hơn 10.000 chai.

Và năm nay, cơ sở đã chuẩn bị hơn 16.000 chai rượu thuộc 3 sản phẩm chủ lực của cơ sở là: Rượu lão tửu Út Tây 10.000 sản phẩm, rượu đông trùng hạ thảo Út Tây 5.000 sản phẩm và 1.000 sản phẩm rượu Khước lão - tửu Út Tây. Giá bán dao động từ 90.000 đồng đến 2,3 triệu đồng/sản phẩm, tăng gần 20% so với thời điểm năm 2019. Hiện tại, sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Bà Trang cho biết thêm: Đối với sản phẩm tham gia bình chọn OCOP thời gian qua đã tạo một dấu ấn lớn. Đã tạo một niềm tin, động lực rất lớn cho các chủ thể tự tin giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng và mạnh dạn đầu tư để tạo một bước phát triển mới cho sản phẩm. Và Út Tây cũng vậy, sau khi được bình chọn và công nhận sản phẩm thì nhiều người biết đến và đón nhận.

Tính đến nay, sau 3 năm tập trung xây dựng thì huyện Phụng Hiệp đã có 21 sản phẩm đạt chuẩn OCOP thuộc các chủ thể là: Hợp tác xã Kỳ Như, Công ty TNHH nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát, Cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, Hợp tác xã Hậu Giang Yên Bình An, cơ sở sản xuất trà mãng cầu xiêm Hồng Đoan. Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, trong 21 sản phẩm được công nhận OCOP của huyện có 17 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được công nhận OCOP đã được giới thiệu đưa đi xúc tiến thương mại ở nhiều nơi, qua đó giúp cho sản lượng bán ra tăng từ 30% đến 40% so với thời điểm chưa công nhận.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, xã Thạnh Hòa, cho biết: “Trước đây, các sản phẩm chưa được công nhận OCOP thường rất khó bán. Mình đem đi chào hàng ở các siêu thị đôi khi người ta cũng không mặn mà. Nhưng sau khi được công nhận OCOP thì tự dưng họ lại tìm đến mình”.

Còn cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, từ khi mới thành lập, cơ sở đặt phương châm phục vụ sức khỏe lên hàng đầu, không ngừng cải tiến mẫu mã. Với nguồn nguyên liệu, cơ sở đã kiểm soát trái tại vườn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi được vào OCOP, trà mãng cầu Phụng Phát càng được khách hàng tin tưởng nhiều hơn, thị trường cũng được mở rộng hơn so với trước đây.

Đẩy mạnh thực hiện sản phẩm OCOP

Theo lãnh đạo UBND xã Thuận Hòa, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền vận động đến các chủ thể, đưa sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm như bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, rượu mãng cầu, kẹo, mứt mãng cầu… Tuyên truyền, thông báo cho tất cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia đăng ký sản phẩm do đơn vị mình sản xuất, đồng thời đăng ký tham gia sản phẩm OCOP do huyện, tỉnh tổ chức. Ngoài ra, kêu gọi các nhà đầu tư vào địa bàn và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất kinh doanh để có nhiều sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP.

Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Thời gian qua, huyện tập trung rất nhiều cho việc xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Phụng Hiệp. Như liên kết với Sở NN&PTNT đầu tư rất nhiều cơ sở hạ tầng cho các HTX, đặc biệt như xây dựng nhà làm việc, nhà kho, cũng như hỗ trợ các chương trình như VietGAP, GlobalGAP và giúp cho các chủ thể đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho các sản phẩm mình. Sau khi được công nhận OCOP, chất lượng và mẫu mã sản phẩm đã được cải thiện đáng kể, từ đó được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận.

Cũng theo ông Trần Văn Tuấn, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục xây dựng các sản phẩm mới thì ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp sẽ hỗ trợ cho các chủ thể tiếp tục đổi mới để từng bước thăng hạng cho sản phẩm của mình. Bởi trong 21 sản phẩm OCOP của huyện hiện nay có đến 17 sản phẩm đạt 4 sao. Mục tiêu phấn đấu của huyện là năm 2022 huyện sẽ có từ 2-3 sản phẩm được công nhận 5 sao cấp Quốc gia.

Sản phẩm được tiêu thụ mạnh, chứng tỏ thương hiệu OCOP ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng. Chính vì thế trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng các sản phẩm theo hình thức này để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó có Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tìm những sản phẩm phù hợp mang tính đặc sản địa phương để tham gia sản phẩm OCOP. Quan tâm, hỗ trợ những sản phẩm đã được tỉnh Hậu Giang công nhận 3 sao, 4 sao trong thời gian qua để có đề nghị về UBND tỉnh nâng các hạng sao trong thời gian tới.

Ngoài ra, đối với từng sản phẩm, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương sau khi được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt 3 sao hoặc 4 sao, tiếp tục quan tâm hỗ trợ về mặt công nghệ, kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm. Hỗ trợ về trang thiết bị máy móc theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng như khuyến công hàng năm của tỉnh và một số chương trình lồng ghép trên địa bàn tỉnh như Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên cho HTX tham gia nhiều sản phẩm về OCOP.

Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã có 104 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Nhìn chung, sản phẩm OCOP rất đa dạng như mắn cá lóc, các sản phẩm chế biến từ cá thát lát, mứt khóm, nước màu khóm, trà mãng cầu, bưởi, rượu... Qua các lần tổ chức, các chủ thể và địa phương hết sức quan tâm, cải thiện mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm. Đáp ứng được yêu cầu của chương trình và kế hoạch của UBND tỉnh đề ra, đảm bảo số lượng, chất lượng.