Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 2 tháng đầu năm 2019
Nông nghiệp
Trong tháng Hai, thời tiết nắng ấm cùng với tình hình sâu bệnh được kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho lúa và hoa màu vụ Đông xuân phát triển tốt. Tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước gieo cấy được 2.765,9 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 3,2% (tăng 86,5 nghìn ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 781,7 nghìn ha, tăng 8,4%; các địa phương phía Nam đạt 1.984,2 nghìn ha, tăng 1,3%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.597,9 nghìn ha, tăng 1,9%.
Tại các tỉnh phía Bắc, bên cạnh thời tiết đầu vụ thuận lợi, Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn năm 2018 nên các địa phương đã tranh thủ xuống giống sớm vụ đông xuân làm cho tiến độ gieo cấy đạt nhanh hơn cùng kỳ năm trước, trong đó: Nam Định đạt 63,8 nghìn ha, tăng 19 nghìn ha; Hà Nội đạt 31 nghìn ha, tăng 21 nghìn ha; Bắc Ninh đạt 13,8 nghìn ha, tăng 10,9 nghìn ha. Hiện nay lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển tốt.
Tuy nhiên, dự báo nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm tại phía Tây Bắc Bộ và Trung Bộ, do đó các địa phương cần kết thúc gieo cấy lúa đông xuân trong tháng 2/2019. Thời tiết nắng ấm cũng khiến sâu bệnh gây hại trên lúa diễn biến phức tạp, nhất là bệnh lùn sọc đen phương nam, đạo ôn, bọ trĩ, ốc bươu vàng..., ngành nông nghiệp cần theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh, xử lý kịp thời các ổ bệnh để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa.
Các địa phương phía Nam đến nay cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân, trong đó diện tích lúa tăng chủ yếu ở Cà Mau với 35,2 nghìn ha do chuyển đổi mùa vụ từ lúa mùa sang lúa đông xuân. Hiện nay lúa đang phát triển tốt, những trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh làm đòng, trong đó tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có 306,1 nghìn ha lúa đông xuân cho thu hoạch, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn thu hoạch đại trà lúa đông xuân nhưng do các doanh nghiệp và thương lái chưa thu mua dẫn đến giá lúa xuống thấp, một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang không gặt lúa đúng tiến độ mặc dù lúa đã chín. Để hỗ trợ nông dân giải quyết khó khăn, tránh tình trạng thương lái ép giá, ngày 19/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mua dự trữ theo kế hoạch Nhà nước 200 nghìn tấn gạo và 80 nghìn tấn thóc.
Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, tính đến giữa tháng Hai, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 198,9 nghìn ha ngô, bằng 94,8% cùng kỳ năm trước; 44,9 nghìn ha khoai lang, bằng 99,8%; 10,7 nghìn ha đậu tương, bằng 103,9%; 60,9 nghìn ha lạc, bằng 105,4%; 391,9 nghìn ha rau đậu, bằng 101,6%.
Chăn nuôi trong tháng nhìn chung ổn định, riêng đàn trâu giảm do diện tích chăn thả thu hẹp. Ước tính tháng Hai, đàn bò cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn tăng 3%; đàn gia cầm tăng 6%; đàn trâu giảm 2,8%. Đáng chú ý là dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát ổ dịch tại bốn tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên và Thanh Hóa; dịch lở mồm long móng ở lợn xảy ra tại một số địa phương, do đó các cấp, các ngành cần chủ động có biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan diện rộng, không để ảnh hưởng đến sản xuất, gây biến động giá và nguồn cung của thị trường lợn.
Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào hoạt động “Tết trồng cây” và bắt đầu trồng rừng vụ xuân khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Trong tháng Hai, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 8,4 nghìn ha, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 5,8 triệu cây, tăng 0,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 832 nghìn m3, tăng 0,5%; sản lượng củi khai thác đạt 1,2 triệu ste, giảm 5,5%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 14,7 nghìn ha, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,5 triệu cây, tăng 0,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,7 triệu m3, tăng 0,3%; sản lượng củi khai thác đạt 2,7 triệu ste, giảm 3,2%.
Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng Hai là 24 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 4,1 ha; diện tích bị chặt phá là 19,9 ha. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 45,6 ha rừng bị thiệt hại, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 4,4 ha, giảm 74,7%; diện tích rừng bị chặt phá là 41,2 ha, giảm 34,9%.
Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng Hai ước tính đạt 490,3 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 360,3 nghìn tấn, tăng 5,5%; tôm đạt 43,6 nghìn tấn, tăng 0,9%; thủy sản khác đạt 86,4 nghìn tấn, tăng 4,9%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 232,5 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 166,8 nghìn tấn, tăng 4,6%; tôm đạt 32,6 nghìn tấn, tăng 2,5%. Nuôi cá tra tiếp tục thuận lợi, giá cá tra ổn định ở mức 28.500-30.000 đồng/kg. Sản lượng cá tra tháng Hai ước tính đạt 80,1 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Đồng Tháp đạt 33,6 nghìn tấn, tăng 4,1%; An Giang đạt 26,6 nghìn tấn, tăng 8%; Cần Thơ đạt 12,7 nghìn tấn, tăng 12,6%. Sau khi thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán, người nuôi tôm tiến hành vệ sinh ao nuôi để chuẩn bị cho vụ mới, các hộ nuôi đang thiếu hụt nguồn cung về giống chất lượng cao, do đó năng suất thu hoạch tôm nuôi không cao. Sản lượng tôm sú trong tháng Hai ước tính đạt 12,7 nghìn tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 16,1 nghìn tấn, tăng 3,9%.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng Hai ước tính đạt 257,8 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 193,5 nghìn tấn, tăng 6,3%; tôm đạt 11 nghìn tấn, giảm 3,5%. Riêng sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 243,9 nghìn tấn, tăng 6,1%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 988,3 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 464,7 nghìn tấn, tăng 3,9%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 523,6 nghìn tấn, tăng 5,3% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 494,9 nghìn tấn, tăng 5,7%).