Sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn trong thời gian phòng, chống dịch
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trong thời điểm các địa phương đang tập trung chăm sóc lúa vụ thu đông 2021. Do đó, nhà nông rất cần hỗ trợ của ngành chức năng để bảo vệ sản xuất.
Bảo vệ sản xuất
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, vụ lúa thu đông 2021, toàn Thành phố đã xuống giống được 67.694ha, đạt 116% so với kế hoạch và cao hơn 1.107ha so với cùng kỳ năm 2021. Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ), cho biết: “Vụ lúa thu đông 2021, nông dân sử dụng các giống lúa gieo sạ chủ yếu là: OM5451, Ðài Thơm 8; OM18… Ðây là các giống lúa cho năng suất cao, đạt chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Lúa thu đông chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết cũng xuất hiện một số loại bệnh, dịch hại cần tập trung phòng trị”.
Hiện nay, lúa thu đông có diện tích nhiễm dịch hại trên 825ha, tăng 587ha so với những ngày giữa tháng 7/2021 và cao hơn 436ha so với cùng kỳ vụ thu đông 2020. Trong đó, gây hại chủ yếu là chuột, bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng… Rầy nâu cũng xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, chủ yếu đang ở tuổi 3-5, với mật số 300-500 con/m2, xuất hiện trên lúa tại quận Thốt Nốt, huyện Cờ Ðỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh.
Ðến thời điểm lúa đẻ nhánh, chuột cũng bắt đầu xuất hiện trên đồng ruộng, với diện tích nhiễm trên 16ha, tỷ lệ nhiễm 5-10% tập trung chủ yếu tại ruộng lúa quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, Phong Ðiền, Thới Lai… Chuột cắn phá rải rác tại ruộng lúa cặp bờ vườn, gần bờ mẫu, gần ruộng rau màu, vườn cây ăn trái. Bệnh đạo ôn trên lá lúa cũng bắt đầu xuất hiện do ảnh hưởng thời tiết mưa rào và giông rải rác vào chiều tối, nấm bệnh đạo ôn gây hại và phát triển trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, với diện tích nhiễm 795ha.
Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 672ha, diện tích nhiễm bệnh trung bình 123ha. So với những ngày giữa tháng 7/2021, diện tích lúa nhiễm đạo ôn lá tăng 557ha và cao hơn 506ha so với cùng kỳ vụ lúa thu đông 2020. Tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến từ 5-10%, cục bộ 15-20%, phân bố tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ, Thới Lai, Phong Ðiền và quận Thốt Nốt.
Ngoài ra, các loại bệnh khác cũng bắt đầu xuất hiện trên lúa thu đông, như: bệnh cháy bìa lá, sâu cuốn lá, bệnh đốm vằn… gây hại rải rác tại các ruộng mới gieo sạ ở huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ, Thới Lai… Anh Phan Thiện Khanh, ở ấp Ðịnh Khánh B, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, canh tác trên 1,7ha lúa thu đông, cho biết: “Hiện thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhưng một số dịch hại, sâu bệnh lại xuất hiện trên lúa thu đông nên nông dân có nhu cầu đi lại mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hay ra đồng chăm sóc cho lúa. Vì vậy, chúng tôi luôn có ý thức trong việc thực hiện biện pháp “5K”, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang… để phòng, chống dịch”.
Phòng, chống dịch bệnh
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ, hiện nay mật số rầy nâu ngoài đồng ở mức 300-500 con/m2. Ngành Nông nghiệp quận, huyện cần khuyến cáo nông dân không nên phun thuốc trừ rầy nâu sớm ở giai đoạn đầu của cây lúa để bảo vệ thiên địch, giảm nguy cơ bùng phát rầy nâu, các loài dịch hại khác vào giai đoạn sau của cây lúa.
Ðối với bệnh đạo ôn lá trên lúa thu đông 2021, cần khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, tiến hành xử lý kịp thời khi cần. Ngưng bón các loại phân có chứa đạm, phòng trị theo nguyên tắc 4 đúng, không kết hợp với phân bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng khi phun thuốc trị bệnh đạo ôn lá.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu cho biết: Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nông dân bước đầu gặp khó khăn trong vận chuyển và mua vật tư bảo vệ cây trồng. Do đó đề nghị cán bộ nông nghiệp địa phương hỗ trợ, hướng dẫn nông dân mua hàng qua điện thoại và cung cấp thông tin các đơn vị cung cấp vật tư nông nghiệp gần nhất.
Ngoài ra, cần hỗ trợ thăm đồng, liên lạc cho những nông dân từ địa phương khác có diện tích canh tác trên địa bàn đang thực hiện cách ly hoặc đang thuộc diện phong tỏa để nông dân yên tâm tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá thuốc trong thời gian dịch bệnh phát triển. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…