Sản xuất VietGap: Nâng cao giá trị chè Việt
Trong thời gian dài, chè là cây công nghiệp phát triển khá ổn định, là cây trồng “xóa đói giảm nghèo”, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều vùng đồng bào các tỉnh phía Bắc. Để phát triển bền vững sản xuất chè, việc tập trung sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Ngày 10/06/2016, tại Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: “Các giải pháp sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng”.
Sẽ mất chỗ đứng trên thị trường nếu không đảm bảo ATTP
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ năm 2011 đến nay, sản xuất chè có nhiều tiến bộ. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và chế biến chè phát triển khá đa dạng như các công ty chè 100% vốn nước ngoài ở miền núi phía bắc (Phú Bền-Phú Thọ; Phú Tài-Yên Bái; Ken Green Farm-Sơn La) và một số công ty liên doanh (Phú Đa-Phú Thọ, Cờ Đỏ-Sơn La)...
Việc gia tăng doanh nghiệp trong lĩnh vực chè đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển một số trang trại trồng chè quy mô hàng chục ha, sử dụng chè giống mới, áp dụng cơ giới hoá, thâm canh và sản xuất chè an toàn, có công nghệ và dây truyền chế biến chè phù hợp, tạo sản phẩm chè chất lượng cao, chủ động tiêu thụ như ở Lâm Đồng, Thái Nguyên, Cao Bằng, Phú Thọ…
Tuy nhiên theo đánh giá của lãnh đạo Cục Trồng trọt, việc liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người trồng chè còn chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp, đặc biệt là quy hoạch các nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu, vẫn còn hiện tượng tranh mua, tranh bán và ép giá người trồng chè.
Bên cạnh đó, tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều trung gian không những làm tăng giá nguyên liệu đầu vào mà còn kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu. Chất lượng nguyên liệu đầu vào thấp là nguyên nhân chính làm chất lượng chè thành phẩm thấp, giá cả và sức cạnh tranh của chè Việt Nam trên thị trường thế giới giảm sút.
Đáng chú ý theo nhận định của TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tình trạng phát triển các cơ sở chế biến tự phát không theo quy hoạch, nhất là các cơ sở chế biến nhỏ với công nghệ thấp, không những gây căng thẳng về nguồn nguyên liệu, mà còn dẫn đến không chú trọng chất lượng nguyên liệu đầu vào. Việc kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với chè, kể cả đầu vào và đầu ra chưa được thường xuyên và chặt chẽ, chất lượng chè thành phẩm chưa ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng.
Kết quả điều tra của Cục Bảo vệ Thực vật cho thấy, thành phần sâu bệnh hại chính trên chè nông dân thường xuyên phải phòng trừ là bọ xít muỗi, rầy xanh, bọ cánh tơ và nhện đỏ. Năm 2015, diện tích nhiễm bọ xít muỗi trên 20 ngàn ha, diện tích nhiễm rầy xanh trên 28 ngàn ha, diện tích nhiễm bọ cánh tơ trên 17 ngàn ha, diện tích nhiễm nhện đỏ 7.500 ha. Trong sản xuất chè, nông dân trực tiếp canh tác là người phun thuốc BVTV. Nông dân sử dụng thuốc với nồng độ cao hơn hướng dẫn chiếm 49%, 64% nông dân hỗn hợp 2 loại thuốc khi phun và có 14% nông dân hỗn hợp 3 loại thuốc khi phun trong khi nông dân không hề biết việc hỗn hợp làm tăng nồng độ thuốc lên rất nhiều lần; gần 50% nông dân phun trên 7 lần/vụ, có những hộ nông dân phun tới 4 lần/1 tháng gây lãng phí trong sử dụng thuốc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới thiên địch và mất an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè.
Tại Diễn đàn, TS.Phan Huy Thôn cho rằng, chè là thức uống phổ thông của người dân miền Bắc, do đó mức độ an toàn của nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng, chè uống bằng lá nên dễ tiếp nhận các loại thuốc bảo vệ thực phẩn, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên lá có nguy cơ cao, làm thế nào để cân bằng năng suất chất lượng, an toàn thực phẩm từ khâu chế biến đến lưu thông. Bản thân người nông dân cũng không bằng lòng với sản phẩm của mình làm ra mà không an toàn.
Hiện nay, chè xuất khẩu khoảng 60% sản lượng, rất nhiều những khuyến cáo của các nước nhập khẩu đưa ra cũng như ý kiến phản hồi về chất lượng sản phẩm chè, nhiều nước đã dừng nhập khẩu do dư lượng thuốc quá mức cho phép. Nếu không có những hành động cụ thể, thì thương hiệu chè Việt sẽ mất chỗ đứng trên thị trường.
Cần thay đổi tư duy
Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp, định hướng diện tích chè cả nước ổn định khoảng 140.000 ha, trồng mới và trồng thay thế hằng năm chủ yếu bằng các giống chè năng suất, chất lượng cao, trong đó cơ cấu giống chè chất lượng khá và chất lượng cao chiếm trên 50% diện tích, sản xuất chè theo hướng an toàn.
Theo TS. Phan Huy Thông, đã đến lúc phải thay đổi tư duy và hành động trong sản xuất chè an toàn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, cần kiểm soát nguyên liệu đầu vào trong tất cả các khâu, từ tổ chức sản xuất, thu mua chế biến và xuất khẩu.
Để nhân rộng mô hình sản xuất chè VietGAP, ông Thông cho rằng, cần siết chặt lại cơ sở chế biến chè theo hướng những cơ sở không có vùng nguyên liệu thì dứt khoát không cho chế biến. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần kiểm soát việc tuân thủ quy định của nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có quy định về kinh doanh thuốc BVTV theo hướng nếu phát hiện cơ sở kinh doanh bán loại thuốc BVTV ngoài danh mục sẽ xử lý rất nặng. Song song với đó là việc nâng cao nhận thức của người dân, công khai các loại thuốc BVTV được sử dụng trên chè một cách rộng rãi và dễ hiểu để cho bà con dễ nhớ và khi tìm mua thì không mua phải các loại thuốc không an toàn.
Ngoài ra, ông Thông cũng kiến nghị, nhà nước cần giảm thiểu các tiêu chí VietGAP không phù hợp, kéo dài thời gian có hiệu lực chứng nhận VietGAP. Cùng với khuyến khích đầu vào cần tăng cường hỗ trợ đầu ra để bà con yên tâm với sản xuất VietGAP
Cục Trồng trọt cũng đã đưa ra định hướng đẩy mạnh sản xuất chè an toàn, đó là: Đầu tư các dự án khuyến nông về sản xuất chè an toàn gắn với tổ chức tiêu thụ sản phẩm chè; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất và tiêu thụ chè an toàn trên phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và các địa phương ; Tăng cường đào tạo tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ khuyến nông viên và cán bộ quản lý nông nghiệp của các địa phương về các văn bản quản lý nhà nước về sản xuất, chế biến chè an toàn …