Sạp báo và nghề bán báo trong cơn lốc thị trường
Nghề bán báo rong từng trợ giúp đắc lực cho ngành phát hành báo, mang những ấn phẩm báo đến từng bàn quán cà phê, từng ngôi nhà, hang cùng ngõ hẻm của các thành phố lớn đang gần như biến mất. Liệu có phải vì người đọc không còn mặn mà với báo giấy? Vì sự cạnh tranh của nhiều phương tiện truyền thông tiện ích, có sự hỗ trợ của điện thoại thông minh?
Hà Nội là một siêu đô thị, nhưng giờ đây tìm các sạp bán báo từng cho thu nhập khá cũng thật hiếm hoi. Người bán báo rong thì... "bói không ra". Thực tế qua để ý, tìm hiểu thì chỉ còn vài người phụ nữ lớn tuổi làm công việc ấy, gọi là để lấy công làm lãi.
Chị Lê Thị Yên, trước đây làm nghề bán báo rong đã chuyển sang nghề đánh giầy 5 năm nay, chia sẻ: "Cũng là bán rong, nhưng Hà Nội còn nhiều người sống bằng những nghề không phải bán báo. Tức là nhu cầu bán hàng rong nhiều và họ vẫn có một công cụ để mưu sinh, trừ nghề báo rong ra".
Sôi động một thời
Thực tế, Hà Nội từng có những Trung tâm phân phối báo lớn của Hà Nội như: Phố Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ và phố Ngô Sỹ Liên - sau ga Trần Quý Cáp... và những người bán báo rong thường tụ về đó để nhận báo chí và mang đi khắp các ngả phố.
Cách đây 5 năm đến phố Ngô Sỹ Liên lúc 4h30 phút sáng, chứng kiến những chồng báo được đưa từ nhà in về đây để chuẩn bị giao cho "đội quân bán báo rong" tỏa đi khắp nơi phát hành mà thấy ngộp. Những tiếng cười nói, tiếng í ới gọi nhau, tiếng sột soạt chia báo... khiến cả khu phố rộn lên, giống như một cái chợ báo. Và khi những người này tỏa đi các nơi, không khí mới lắng xuống.
Có đến hơn 70% số người bán báo rong là phụ nữ, cả già lẫn trẻ, họ từ những vùng quê, chủ yếu ở miền Trung ra mưu sinh. Trong hàng chục công việc vất vả, họ đã chọn nghề bán báo rong, một nghề cũng thật cực nhọc.
Để có báo mới, thông tin kịp thời tới người đọc, những người bán báo rong phải đặt số lượng cụ thể từ ngày hôm trước để hôm sau nhận báo với đủ các loại: Bóng đá, Công an nhân dân, An ninh thủ đô, Hạnh phúc gia đình, Phụ nữ, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ, Đang yêu, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật Cuộc sống...và nhiều tập san khác. Người bán báo rong cũng nhanh nhạy nắm bắt thông tin nhanh, xem thời sự, đọc báo để biết báo nào đang viết về vụ án nào, ầm ĩ, nổi tiếng và thu hút bạn đọc hay không.
Trước đây, cứ khoảng 5h30 phút sáng, những người bán báo ôm chồng báo trên tay, hoặc chở bằng xe đạp, họ rong ruổi trên phố, đi qua các nhà hàng, các dãy phố có nhiều hàng cà phê, hàng phở... Họ sẵn đến bất cứ phố nào, ngõ nào có bạn đọc, dù mưa dầm hay nắng đổ, dù bước chân mệt nhoài.
Chị Lê Thị Yên hào hứng kể, chị có hai con nhỏ, gửi cho ông bà ở quê nuôi giúp, vợ chồng chị cùng ra Hà Nội làm nghề bán báo rong. Tuy nhiên, để tiện làm ăn, mỗi người phải đi một "chợ báo" và bán ở một khu vực khác nhau. Đến tối mới gặp mặt tại nhà trọ để tổng kết thu nhập của một ngày và bàn về "chiến lược" bán báo cho sáng sớm hôm sau.
Chị tâm sự: "Trăm thứ nghề cơ cực thì nghề bán báo rong là một trong những nghề cơ cực nhất. Người bán phải không được nản, phải có sức khỏe để cắp tập báo trên người và đi rong hết phố này đến phố khác. Rồi cũng phải nhanh nhạy, nhận biết được thị hiếu của độc giả, thích đọc báo nào để lấy tờ đó nhiều hơn. Vào mùa mưa, chúng tôi khổ cực lắm vì luôn nơm nớp nỗi lo ướt báo. Chẳng may bị ướt thì đúng là khổ sở. Người dễ thì không sao chứ gặp người khó tính báo ướt là không chịu. Mà chúng tôi đâu có thời gian ngồi phơi khô, có khi phơi khô xong một tờ lại ế một mớ vì trưa. Vì vậy, hôm nào có ướt vài tờ xem như lãi giảm".
Mất sinh kế
Người bán báo rong cũng cần phải có mẹo, là cắp một chồng báo nặng trĩu bên người sao cho khỏi bị tuột và tránh bị mỏi tay là điều không dễ dàng. Ngoài ra, họ còn phải biết mời chào, biết quảng cáo về các tờ báo có đăng tin nóng, vụ án hấp dẫn... để khách thích thú và rút ví mua. Nhưng "thời tươi đẹp ấy cũng đã qua"...
Bà Nguyễn Thị Tứ (quê ở Thanh Hóa) vẫn cần mẫn bám nghề, chia sẻ: "Bây giờ tôi phải kết hợp. Sáng tranh thủ đi bán dạo báo một chút, chiều đi làm giúp việc. Trước đây mỗi ngày đầu buổi sáng tôi bán được hơn 100 tờ các loại. Nay đi mời mỏi miệng, mỗi ngày cũng chỉ được 30 đến 50 tờ. Nhiều hôm còn ế đến chục tờ".
Nghề báo rong cũng vất vả như nhiều nghề khác, sợ mưa nắng, đặc biệt là mưa. Nhưng như bà Nguyễn Thị Tứ giãi bày, dù vất vả, nhưng nếu còn nghề là còn duy trì được cuộc sống, còn kiếm được tiền túc tắc sống qua ngày. Nay thì công việc ấy bị xén mất, thu nhập teo lại, trong khi chi phí sinh hoạt thì luôn tăng cao. Trước đây những người làm nghề chịu khó, mỗi ngày một người kiếm được 70 đến 100 nghìn đồng. Ít hơn thì khoảng 50 nghìn.
"Với số tiền kiếm được ấy, cộng với đi nhặt ve chai, buôn đồng nát thêm thắt tiền lẻ, hoặc giúp việc theo giờ là cũng ổn về chi phí ở thành phố. Đúng là điện thoại thông minh và công nghệ cướp cơm của chúng tôi đấy", chị Nguyễn Thị Ái, trước đây từng bán báo rong, nay chuyển nghề đánh giày chia sẻ.
Hàng trăm người bán báo rong, cả dùng xe máy, xe đạp hoặc đi bộ trong những ngóc ngách Hà Nội đã mất việc. Hàng trăm quầy báo lớn nhỏ sôi động trên các vỉa hè đường phố cũng đã biến mất. Đến nay số quầy báo "còn sống" ở Hà Nội chỉ khoảng một chục, tập trung ở khu vực đường Giảng Võ, khu 71 Hàng Trống, phố Cửa Nam, Phan Huy Chú...
Bà Trần Thị Vĩnh, chủ quầy báo ở vị trí khá đắc địa, là cổng báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), cho biết: "Từ khi điện thoại thông minh kết nối mạng, giúp cho người ta có thể nắm được thông tin trên toàn cầu là bán báo giảm, khó bán. Ngày trước, nhiều người bán rong mà ế có thể mang đến chỗ tôi gửi, hoặc ra mua lại của tôi với giá buôn rồi mang đi bán rong kiếm lãi, nhưng nay thì chẳng còn hiện tượng đó nữa".
Hay như khi hỏi chuyện chị Trần Kiều Oanh, chủ sạp báo Hà Oanh trên phố Phan Huy Chú (sát cổng trụ sở Thông tấn xã Việt Nam), chị Oanh cũng cho biết, hiện nay báo giấy hầu như không bán được và chỉ có một số ít tờ thi thoảng có người mua. Tình trạng sụt giảm sức mua đã diễn ra từ lâu, song năm nay còn "thê thảm" hơn nhiều so với mấy năm trước.
Nét đẹp văn hóa bị mai một
Nói gì thì nói, hình ảnh các ông bà, thanh niên buổi sáng ngồi uống nước, có kèm theo tờ báo để đọc; Người thể dục trong công viên, lúc nghỉ dưỡng sức, cầm tờ báo lên đọc; Người đứng đọc báo dán ở các bảng tin phường, cơ quan cũng là một nét văn hóa. Cảnh tượng ấy khiến người ta chùng xuống, cuộc sống như trôi đi chậm hơn, con người có một khoảng nghỉ ngơi và thư giãn nhất định. Thậm chí, việc đọc báo đứng ở các bảng thông tin nơi cổng một số báo, phường đã trở thành vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội.
Về vấn đề báo chí bị cạnh tranh, nhà báo Nguyễn Hữu Bắc (Báo Đất Việt) nhận định: các loại hình, phương thức truyền thông mới xuất hiện cùng với sự đa dạng kênh truyền thông trong nước đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tờ báo, giữa báo và mạng xã hội, báo và các kênh thông tin khác. Không chỉ mạng xã hội, ngày nay, bất kỳ ứng dụng công nghệ thông tin nào cũng đều phát triển giá trị cốt lõi cùng với giá trị gia tăng như một cổng thông tin để thu hút tối đa người dùng. Sự phát triển không giới hạn này tạo sức cạnh tranh lớn chưa từng có cho báo chí truyền thống.
Đồng quan điểm ấy, nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng biên tập Tạp chí Văn Hiến, chia sẻ: rõ ràng, báo chí truyền thống đang bị teo tóp dần. Điều đó biểu thị rõ nhất là các sạp báo và người bán báo rong dần biến mất. Họ không thể sống được nên phải chuyển nghề. Bạn đọc truyền thống cũng từ bỏ một kiểu đọc truyền thống, một nét văn hóa của người Hà Nội rất nhiều năm. Kể cả việc sưu tầm báo Tết, giờ đây cũng rất ít người làm, dù báo ngày nay in ấn số đặc biệt dịp Tết rất đẹp.
Có người cho rằng, vắng hàng báo rong là Hà Nội mất đi một vẻ đẹp trầm lắng, khá riêng biệt. Tất nhiên, đó là quy luật chung, không gì có thể cưỡng lại được. Người đọc, người bán báo lại chờ mong một kiểu bán báo khác, một kênh làm báo và bán báo khác hiệu quả, phát triển được chiều sâu văn hóa mảnh đất Hà Nội nghìn năm.