Sắp có dòng vốn mới “đổ bộ” vào bất động sản công nghiệp Việt Nam?

Hà Phương

Tại Diễn đàn Bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam do báo Đầu tư tổ chức vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện các doanh nghiệp cho hay, nếu các địa phương sớm xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh, đồng bộ; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hoàn thiện theo hướng thông thoáng..., thì trong khoảng 5 -7 năm tới sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài “đổ bộ” rót vốn vào BĐS công nghiệp Việt Nam.

Phát triển khu công nghiệp đảm bảo tính liên kết, đồng bộ

Mở đầu Diễn đàn, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, trong bối cảnh lạm phát thế giới đang hạ nhiệt một cách rõ ràng, Việt Nam sẽ có nhiều dư địa hơn cho việc quản lý và điều tiết kinh tế vĩ mô và điều này sẽ khuyến khích dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhanh chóng quay trở lại, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024.

Theo ông Lê Trọng Minh, nhà đầu tư từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau sẽ có những mục tiêu và yêu cầu khác nhau, dù mối quan tâm chung có thể vẫn là những vấn đề cốt lõi như cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, khung pháp lý, các chính sách và quy định, năng suất lao động, chuỗi cung ứng địa phương…

Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, có những nhà đầu tư ở quy mô vừa và nhỏ có thể dễ dàng thỏa mãn với những hạ tầng BĐS công nghiệp đang sẵn có tại Việt Nam, song cũng có nhiều nhà đầu tư lại yêu cầu khắt khe hơn về năng lực cung cấp hạ tầng kỹ thuật và nhân lực, sự đa dạng của các loại hình sản phẩm BĐS công nghiệp gắn với dịch vụ logistics hoàn chỉnh…, đảm bảo hiệu quả kinh tế của quy mô sản xuất mà nhà đầu tư nhắm tới.

Quang cảnh Diễn đàn BĐS công nghiệp Việt Nam năm 2023, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 24/8/2023.
Quang cảnh Diễn đàn BĐS công nghiệp Việt Nam năm 2023, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 24/8/2023.

Chia sẻ về lợi thế giúp Việt Nam thu hút vốn FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn.

Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 732 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu trên 11 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt mức trên 4.100 USD.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nước ta còn có lợi thế về môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn. Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để biến lợi thế trên thành cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách vượt trội cho phát triển khu công nghiệp phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Tạo lực đẩy từ dòng vốn mới

Nhìn nhận về sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài, xuất phát từ chiến lược Trung Quốc + 1 của nhiều công ty đa quốc gia để chia sẻ rủi ro, hay tạm gọi là không muốn "bỏ trứng vào một giỏ". Chiến lược Trung Quốc + 1 khởi nguồn từ các nhà đầu tư Nhật Bản, tiếp đến là Hàn Quốc, sau đó là nhà đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ.

Bên cạnh yếu tố này, còn nhiều yếu tố khác như chiến tranh thương mại, xung đột Nga - Ukraine, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã định hình lại dòng vốn để tận dụng cơ hội và tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á nổi lên như một “bệ đỡ” trong sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nhiều DN nước ngoài nhận định, BĐS công nghiệp Việt Nam sẽ có tiềm năng phát triển tốt trong thời gian tới. 
Nhiều DN nước ngoài nhận định, BĐS công nghiệp Việt Nam sẽ có tiềm năng phát triển tốt trong thời gian tới. 

Theo ông Đỗ Văn Sử, trong top 5 địa điểm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đa phần là các nhà đầu tư ở khu vực Đông Bắc Á và Singapore. Bởi vì có một điểm chung là các nhà đầu tư Đông Bắc Á với Việt Nam có sự tương đồng về mặt văn hóa.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, dòng vốn đầu tư có dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo.

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Choi Kyu Chul -  Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh (KOCHAM) cho biết, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ 2 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với hàng chục dự án. Trong đó, có những dự án có giá trị đầu tư lên hàng từ trên 700 triệu USD đến hàng tỷ USD.

“Trong thời gian tới, sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư lớn của Hàn Quốc vào Việt Nam. Bởi vì, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng, nhất là sau đại dịch COVID-19 có làn sóng dịch chuyển của nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở các thị trường khác vào Việt Nam, trong đó có Hàn Quốc”, ông Choi Kyu Chul nhận định.

Đưa ra triển vọng dòng vốn mới đầu tư vào Việt Nam, ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, Việt Nam đang có được số lượng nhà đầu tư tăng đều đặn qua các năm và nếu tiếp tục như này, việc đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có gì là giới hạn.

Lý giải cụ thể hơn về các động lực thu hút dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, ông Bruno Jaspaert cho hay, Việt Nam đang là quốc gia cởi mở nhất khu vực Đông Nam Á nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Việc Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại quốc tế (CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...) tiếp tục mang lại lợi ích thương mại đáng kể và gia tăng quy mô thị trường cho các nhà đầu tư; tiếp đó, giá thuê đất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong ASEAN; xu hướng Trung Quốc +1 trở thành kênh quan trọng đối với Việt Nam, góp phần thu hút khoảng 10% doanh nghiệp sản xuất chuyển ra nước ngoài.

Nhận định về tiềm năng phát triển BĐS công nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới, ông Paul Tonkes - Phó Giám đốc điều hành khối BĐS công nghiệp, Công ty Indochina Kajima Development (ICCK) cho biết, doanh nghiệp này sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào BĐS công nghiệp Việt Nam trong 5 - 7 năm tới.

Để chuẩn bị quỹ đất phát triển khu công nghiệp trong thời gian tới, ở góc nhìn thực tế từ địa phương, bà Dương Thị Xuân Nương - Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai sẽ có thêm quỹ đất khu công nghiệp cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã phát triển được 33 khu công nghiệp. Trong đó, có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút nhà đầu tư. Riêng 1 khu công nghiệp còn lại đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng cơ bản sau khi được Chính phủ phê duyệt quỹ đất. Tổng quỹ đất của 33 khu công nghiệp đã được hình thành và đi vào hoạt động là 10.514 ha.

"Đồng Nai đã có sự chuẩn bị để đón dòng vốn đầu tư mới và luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng để thu hút các nhà đầu tư mới vào các khu công nghiệp của Tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc thu hút đầu tư đã có xu hướng chững lại", bà Nương cho biết.

Trong khi đó, từ thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, ông Đào Xuân Đức - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nêu về khó khăn về quỹ đất lớn khiến các nhà đầu tư chuyển dịch sang địa bàn khác.

“TP. Hồ Chí Minh không phải là không có đất, nhưng để có quỹ đất lớn thì lại không có khả năng. Do đó, chúng tôi cũng rất tiếc khi thời gian vừa qua một số nhà đầu tư đã dịch chuyển qua Đồng Nai, Bình Dương để tìm quỹ đất lớn hơn”, ông Đào Xuân Đức chia sẻ.