Sáp nhập ngân hàng: Không thể áp dụng lâu dài
(Tài chính) Nhiều ngân hàng đang nhộn nhịp lên kế hoạch sáp nhập nhưng theo các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn chứ không thể áp dụng lâu dài.
Theo kế hoạch, năm 2014 Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tái cơ cấu một số tổ chức tín dụng, trong đó sẽ xử lý từ 6 - 7 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập, đưa số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép từ trước đến nay lên từ 7 - 10 ngân hàng.
Đầu tháng 4, vào mùa Đại hội cổ đông, trên thị trường nhộn nhịp các thông tin về sáp nhập ngân hàng với sự xuất hiện của một loạt các ngân hàng tên tuổi như Vietcombank, VietinBank, Sacombank, Maritime Bank, MBBank, PGBank...
Trả lời câu hỏi của báo giới về sáp nhập ngân hàng ở Việt Nam tại buổi công bố Báo cáo cập nhật kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương ngày 7/4, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng: Việc sáp nhập ngân hàng là không đủ giải quyết vấn đề cơ cấu của ngành ngân hàng. Việc sáp nhập chỉ là một biện pháp trong những biện pháp cải cách hệ thống tài chính ở bất kì quốc gia nào. Bản thân biện pháp này không giải quyết được toàn bộ vấn đề.
"Việc một ngân hàng yếu kém nhập lại với nhau thành ngân hàng lớn hơn là không thể giải quyết được vấn đề của họ vì những yếu kém của họ vẫn chưa được giải quyết." - Bà Victoria Kwakwa đánh giá.
“Theo thời gian, số lượng ngân hàng sẽ ít hơn, các ngân hàng sẽ trở nên mạnh hơn thông qua sáp nhập, nhưng cũng có trường hợp phải kiên quyết loại trừ. Nếu nhà băng nào yếu quá thì NHNN nên tính toán, cân nhắc cho phá sản số này để không ảnh hưởng tới sự an toàn của cả hệ thống ngân hàng” – Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nói.
Nhưng từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần khẳng định thông điệp “không để ngân hàng nào phá sản”. Trao đổi bên lề hội thảo về bẫy thu nhập trung bình ngày 15-4, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Theo quy định pháp luật hiện nay, phá sản doanh nghiệp đã khó, phá sản ngân hàng còn khó nữa vì nó rất nhạy cảm. Đó là tin gây rúng động thị trường.
Nhưng TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng: Thực ra tất cả hoạt động sáp nhập ngân hàng hiện nay đang mang tính chất của phá sản. Tôi nghĩ như vậy là phù hợp vì ngân hàng không thể tuyên bố thẳng thừng là phá sản khi Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm xử lí vấn đề phá sản ngân hàng.
“Vấn đề là thủ tục phá sản tại Việt Nam quá rắc rối và Việt Nam chưa có kinh nghiệm phá sản ngân hàng như các nước khác thì chưa nên làm” – ông Nguyễn Đức Thành nói.
Những lo ngại
Hiện nay, một số ngân hàng quốc doanhnhư VietinBank, Vietcombank... đang lên kế hoạch nhận sáp nhập một số ngân hàng nhỏ. TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng: Việc ngân hàng quốc doanh nhận sáp nhập các ngân hàng nhỏ sẽ không làm sức khỏe của các ngân hàng này bị suy yếu, vì những ngân hàng quốc doanh có tiềm lực tài chính lớn. Tuy nhiên, việc sáp nhập này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, việc toàn bộ hệ thống ngân hàng tập trung vào một số ít ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ làm chậm quá trình cải thiện sức cạnh tranh của hệ thống, vì thị trường ngân hàng đòi hỏi những định chế tài chính lớn. Hiện nay 4 ngân hàng quốc doanh lớn đáp ứng được điều này, nhưng đồng thời với đó, sự kết nối của họ với Chính phủ cũng ngày càng lớn.
“Nó có thể gây ra rủi ro trong tương lai vì khả năng kiểm soát họ (ngân hàng quốc doanh) ngày càng khó. Bởi vì quy mô của họ lớn như vậy và họ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách, ảnh hưởng đến cả Ngân hàng Nhà nước, là những đơn vị quản lí họ. Kết quả là có thể gây ra sự thao túng trên thị trường” – TS. Thành cảnh báo.
Trong khi đó tính minh bạch của các doanh nghiệp nhà nước lại không được đánh giá cao, khả năng cạnh tranh, thay đổi theo thị trường không nhanh nên đó là điều lo ngại cho cả hệ thống ngân hàng. Do đó, hệ thống ngân hàng cần có sự cân đối giữa khu vực tư nhân, tức các ngân hàng thương mại cổ phần có bề dày phát triển và khối ngân hàng quốc doanh.
TS. Nguyễn Đức Thành bày tỏ: “Tôi rất mong muốn việc sáp nhập ngân hàng chỉ là tạm thời để giải quyết sở hữu chéo hay nợ xấu. Sau này phải trả các ngân hàng ấy về cho thị trường để những ngân hàng này tự xoay sở và tự giải quyết việc riêng của họ”.