Sầu riêng chất lượng cao vẫn mang lại hiệu quả kinh tế
Thời gian qua, khi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch sầu riêng ở Đắk Lắk đã có rất nhiều thông tin khác nhau về đầu ra của loại trái cây này như: Sầu riêng rớt giá, giá rẻ như cho, sầu riêng rớt giá kỷ lục; thậm chí trên một số trang mạng xã hội còn đăng những hình ảnh sầu riêng rụng đầy gốc không có người mua, nông dân phá sản…
Tìm hiểu thực hư vấn đề này mới thấy một số thông tin trên chưa đầy đủ, chưa thật chính xác, đã vô tình gây hoang mang, bất lợi cho nông dân, tạo điều kiện để tiểu thương lợi dụng ép giá sầu riêng.
Tỉnh Đắk Lắk hiện trồng nhiều giống sầu riêng. Ngoài các giống sầu riêng chất lượng cao như: Ri6, Chín Hóa, Monthong (Donatechno), Cái Mơn, sầu riêng khổ qua, sầu riêng óc khỉ… thì vẫn còn giống sầu riêng địa phương phần lớn đã già cỗi đang trồng xen trong vườn cà phê.
Sầu riêng giống địa phương chất lượng thấp (cơm mỏng, trắng trong, nhão, hạt to) trồng rải rác, không được tiểu thương quan tâm đến nên chỉ bán lẻ giá rất thấp. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, không có người mua dẫn đến một số người nhằm vào loại sầu riêng này để quy chụp chung, gây hoang mang cho thị trường sầu riêng.
Mặt khác, thời gian thu hoạch tập trung sầu riêng ở Đắk Lắk là vào tháng 8, cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, nơi tiêu thụ sầu riêng nhiều nhất nên việc vận chuyển sầu riêng đi các tỉnh phía Nam cũng khó khăn hơn khiến giá giảm so với năm 2020, và giảm nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, theo tính toán, với giá bán sầu riêng dù có giảm thì loại trái cây này vẫn mang lại lợi nhuận cho người trồng.
Đơn cử, một héc ta sầu riêng Dona kinh doanh ổn định, đầu tư tốt, trồng xen trong vườn cà phê, mỗi cây cho bình quân 90 quả (cây tốt có thể lên đến 150 quả), mỗi quả nặng bình quân 3 kg (trái to nhất lên đến 5 - 6 kg), với giá bán bình quân là 28.000 đồng/kg thì đã cho thu nhập được 604 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư 30% thì hiệu quả kinh tế vẫn rất cao. Nếu trồng giống Ri6, với giá bán 26.000 đồng/kg, mỗi héc ta nông dân cũng thu được 505 triệu đồng.
Ông Lê Quang Hy - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thuận Thành Đạt Lý (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, vào đầu vụ một số hộ trồng sầu riêng Dona đã được tiểu thương đặt cọc thu mua tại vườn với giá lên đến 42.000 – 43.000 đồng/kg, giảm không đáng kể so với giá sầu riêng năm 2020.
Tuy nhiên đến trung tuần tháng 8/2021, do giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam, TP. Buôn Ma Thuột cũng áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, cùng lúc sầu riêng già, chín tập trung nên giá giảm xuống còn 26.000 – 28.000 đồng/kg.
Đến những ngày đầu tháng 9, giá sầu riêng bắt đầu tăng lại, sản lượng sầu riêng của hợp tác xã còn lại chừng 30% trên cây, chủ yếu là sầu riêng Dona đã được tiểu thương đặt mua hầu hết với giá 30.000 đồng/kg; thu nhập của các hộ trồng sầu riêng vẫn khá cao.
Chẳng hạn như gia đình chị Liên, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thuận Thành Đạt Lý có 2,5 ha sầu riêng xen cà phê, trong đó hơn 6 sào sầu riêng Dona vào thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch chừng 15 tấn. Với giá bán 30.000 đồng/kg, tổng thu ước 450 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì thu nhập vẫn khá hơn rất nhiều một số loại cây trồng khác trên cùng diện tích.