Sáu yêu cầu để tăng kiểm soát dư nợ ngoại tệ

Theo Vneconomy

Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra loạt yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng để tăng cường kiểm soát quy mô và tốc độ tăng dư nợ cho vay ngoại tệ.

 

Ngày 15/6, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 4496/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cho vay bằng ngoại tệ.

Công văn trên đưa ra 6 yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát quy mô và tốc độ tăng dư nợ cho vay ngoại tệ của các tổ chức này ở mức hợp lý, phù hợp với khả năng huy động vốn, yêu cầu quản lý nhập siêu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thường xuyên số dư nợ cho vay (bao gồm cả khoản đầu tư dưới các hình thức và tiền gửi) bằng ngoại tệ thấp hơn số dư vốn huy động bằng ngoại tệ từ các tổ chức kinh tế và dân cư, đảm bảo khả năng an toàn thanh toán.

Trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ liên tiếp tăng mạnh qua các tháng; tính chung đã tăng tới 20,23%; trong khi tốc độ tăng huy động ngoại tệ liên tục ở mức thấp, chỉ từ 0,21% - 0,78% mỗi tháng, riêng tháng 5 vừa qua tăng được 1,19%.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ hạn mức tín dụng, thời hạn cho vay (bao gồm cả thời hạn của khoản đầu tư dưới các hình thức và tiền gửi), tương ứng với thời hạn huy động vốn bằng ngoại tệ, không để xảy rủi ro kỳ hạn và thanh khoản.

Các tổ chức này cũng phải hạn chế việc ủy quyền quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các chi nhánh của tổ chức tín dụng nhằm hạn chế rủi ro trong việc thực hiện các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay, quản lý ngoại hối và đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Thứ ba, các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu, đảm bảo khả năng thu hồi nợ bằng ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu, được xác định trên cơ sở bộ chứng từ xuất khẩu L/C hoặc các phương thức thanh toán an toàn khác mà doanh nghiệp xuất khẩu đã thực hiện.

Thứ tư, khi cho vay các nhu cầu vốn bằng ngoại tệ và cho vay bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ thanh toán tiền nhập khẩu, tổ chức tín dụng phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ bằng ngoại tệ, được xác định trên cơ sở nguồn ngoại tệ thực có của tổ chức tín dụng cho vay hoặc các tổ chức tín dụng khác có quy mô kinh doanh ngoại tệ lớn trên thị trường; doanh nghiệp xuất khẩu ký kết hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn với các tổ chức tín dụng này.

Thứ năm, các tổ chức tín dụng phải thực hiện đúng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay bằng ngoại tệ tại văn bản số 3215/NHNN-CSTT ngày 29/4/2010; cho vay bằng ngoại tệ, cho vay bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa tại văn bản số 4186/NHNN-CSTT ngày 4/6/2010 (hạn chế cấp ngoại tệ để nhập khẩu một số mặt hàng trọng yếu mà trong nước đã sản xuất được).

Thứ sáu, các tổ chức tín dụng phải đầu tư, nâng cấp công nghệ quản trị kinh doanh (Core Banking) để quản trị có hiệu quả kỳ hạn, lãi suất, tỷ giá và thanh khoản bằng ngoại tệ.