Scotland thông qua Luật Kinh tế tuần hoàn mang tính đột phá


Các nghị sĩ Scotland vừa thông qua Luật Kinh tế tuần hoàn mới của nước này vào ngày 26/6 sau hơn 1 năm xem xét và tranh luận kỹ lưỡng. Đây được coi là bước tiến đáng kể hướng tới tương lai bền vững và công bằng hơn cho quốc gia.

Nguồn: foe.scot
Nguồn: foe.scot

Thành tựu tập thể

Việc thông qua Luật Kinh tế tuần hoàn là minh chứng cho nỗ lực tập thể của người dân Scotland. Hành trình bắt đầu từ hơn một năm trước khi dự thảo luật lần đầu tiên được trình lên Quốc hội. Mặc dù dự thảo ban đầu có bao gồm các biện pháp thúc đẩy sử dụng vật liệu bền vững và công bằng hơn, song nó vẫn còn nhiều lỗ hổng đáng kể cần giải quyết. Nhờ áp lực dai dẳng của công chúng và các hoạt động vận động tích cực, khoảng trống này đã được lấp đầy, và một đạo luật đã được ra đời thừa nhận việc tiêu thụ nguyên liệu của Scotland có tác động đáng kể trên toàn cầu. Nó cam kết giảm thiếu khẩn cấp tình hình trên, đồng thời bảo đảm các thay đổi sẽ diễn ra theo hướng công bằng.

Thực tế, hơn 1.000 cá nhân đã cam kết ủng hộ, tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau để gây áp lực lên các chính trị gia nhằm cải thiện dự luật về nền kinh tế tuần hoàn trong suốt năm qua. Phong trào đó bao gồm việc viết thư cho các nghị sĩ, chia sẻ tin tức trên mạng xã hội và tham gia các sự kiện nhằm nêu bật tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn đối với tương lai của Scotland. Từ đó, nhận thức về luật và các vấn đề liên quan đến luật về lĩnh vực này được nâng cao.

Những cải tiến quan trọng

Ở phiên bản đầu tiên, dự thảo Luật Kinh tế tuần hoàn của Scotland còn thiếu nhiều yếu tố như tái sử dụng, sửa chữa và phân cấp chất thải, mặc dù đây là những khía cạnh thiết yếu của nền kinh tế tuần hoàn. Nó cũng chưa ưu tiên được nhu cầu của người lao động, cộng đồng và những người tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Bà Kim Pratt, nhà vận động cho nền kinh tế tuần hoàn tại tổ chức Friends of the Earth Scotland (Những người bạn của Trái đất Scotland), cho biết: “Rác thải điện có chứa những chất liệu quý giá sẽ bị mất đi khi chúng bị vứt bỏ. Scotland không nên coi các sản phẩm điện và các vật liệu quý giá chứa trong đó là đồ dùng một lần. Việc giảm tiêu thụ vật liệu được sử dụng để tạo ra các sản phẩm này bằng cách tăng cường tái sử dụng và sửa chữa là điều cần thiết để giảm tác hại gây ra cho con người và môi trường. Dự thảo Luật Kinh tế tuần hoàn mới cần bao gồm kế hoạch về các khoáng sản trên, vốn rất cần thiết cho quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch của chúng ta. Nếu luật trong tương lai thực hiện được điều này, nó sẽ có khả năng tạo ra tương lai công bằng và bền vững hơn”.

Do đó, dự luật sửa đổi mà các nghị sĩ vừa thông qua bao gồm các điều khoản quan trọng nhằm giải quyết vấn đề trên, đồng thời bảo đảm sự chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế tuần hoàn cho người lao động và cộng đồng. Văn bản pháp lý này cam kết giảm khẩn cấp các tác động môi trường của việc tiêu thụ nguyên liệu xuống mức bền vững, cũng như công nhận việc tiêu thụ nguyên liệu của Scotland có tác động đáng kể trên phạm vi quốc tế. Theo Luật Kinh tế tuần hoàn, các bộ trưởng Scotland được yêu cầu đưa ra các biện pháp giúp phát triển nền kinh tế tuần hoàn như: công bố chiến lược và xây dựng mục tiêu kinh tế tuần hoàn, giảm chất thải, tăng mức xử phạt hành vi xả rác từ phương tiện giao thông, bảo đảm các hộ gia đình và doanh nghiệp loại bỏ rác thải đúng cách cũng như cải thiện giám sát chất thải…

Mặc dù không đạt được mọi thứ mà những người ủng hộ hy vọng, chẳng hạn như việc thành lập một cơ quan tư vấn độc lập về nền kinh tế tuần hoàn, luật cuối cùng vẫn thể hiện sự tiến bộ đáng kể và có tiềm năng tạo ra nhiều thay đổi tích cực.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn