Cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn
Trên cơ sở quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã cụ thể hóa các điều khoản quy định chung về kinh tế tuần hoàn (KTTH), trong đó cũng nêu rõ cơ chế khuyến khích các hoạt động phát triển KTTH.
Cụ thể, theo Điều 138, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chung về KTTH, các tiêu chí về KTTH gồm: Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.
Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ căn cứ kế hoạch hành động quy định tại Điều 139 Nghị định này thực hiện một hoặc nhiều biện pháp theo thứ tự ưu tiên sau đây để đạt được tiêu chí KTTH:
Thứ nhất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường; tối ưu hóa sử dụng thiết bị, sản phẩm; tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu.
Thứ hai, kéo dài vòng đời sản phẩm và các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm, bao gồm: tái sử dụng (sản phẩm được người tiêu dùng khác tái sử dụng); tu sửa (sửa chữa hoặc bảo trì các sản phẩm bị lỗi để kéo dài thời gian sử dụng); tân trang (phục hồi và nâng cấp sản phẩm cũ); tái sản xuất (sử dụng các thành phần, linh kiện, cấu kiện của các sản phẩm thải bỏ vào các chức năng tương tự); thay đổi mục đích sử dụng (sử dụng các sản phẩm hoặc các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm thải bỏ cho sản phẩm mới có chức năng khác).
Thứ ba, giảm chất thải phát sinh bao gồm: tái chế chất thải (xử lý, chế biến chất thải để chuyển hóa thành nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có ích); thu hồi năng lượng thông qua thiêu đốt chất thải.
Chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp căn cứ kế hoạch hành động quy định tại Điều 139 Nghị định này thực hiện một hoặc nhiều biện pháp sau đây để đạt được tiêu chí KTTH:
Một là, thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu, liên kết giữa các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, khoáng sản, năng lượng; nâng cao tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tổng khối lượng chất thải phát sinh; các giải pháp khác quy định tại khoản 2 Điều này;
Hai là, phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật.
Ba là, thu gom, lưu trữ để tái sử dụng nước mưa; thu gom, xử lý, tái sử dụng nước thải.
Bốn là, thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Chủ dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung căn cứ kế hoạch quy định tại Điều 139 Nghị định này thực hiện thiết kế, tổ chức quản lý và thực hiện các biện pháp sau đây để đạt được tiêu chí KTTH:
- Thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, năng lượng.
- Áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
- Phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các biện pháp khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH. Cụ thể, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển KTTH đối với các hoạt động sau:
- Nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện KTTH.
- Cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về KTTH.
Tổ chức, cá nhân có hoạt động, dự án áp dụng mô hình KTTH thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường, dự án được cấp tín dụng xanh theo quy định của pháp luật được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại các Điều 131, 132, 133, 134, 135 và 137 Nghị định này và quy định của pháp luật khác có liên quan và cơ chế khuyến khích về tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định tại các Điều 154, 155, 156 và 157 Nghị định này.
Nhà nước khuyến khích các hoạt động phát triển KTTH sau:
- Nghiên cứu, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện KTTH theo quy định của pháp luật.
- Phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh tái chế, các mô hình liên kết vùng, liên kết đô thị với nông thôn và các mô hình khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt được tiêu chí của KTTH.
- Áp dụng các biện pháp cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
- Phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải.
- Huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện KTTH theo quy định của pháp luật.
- Hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ về KTTH theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án KTTH ở Việt Nam. Đây là căn cứ để các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các mô hình KTTH phù hợp với các lĩnh vực của mình.