Sẽ có Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan quản lý hàng thương mại điện tử
Để đảm bảo có cơ sở dữ liệu để thực hiện việc quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử thì cần thiết phải xây dựng một Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Thiếu thông tin trước về hàng hóa
Cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc phân luồng, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Để áp dụng được quản lý rủi ro trong việc quyết định kiểm tra, giám sát hải quan thì cơ quan Hải quan cần có thông tin trước về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay cơ quan Hải quan chưa có thông tin trước về hàng hóa nhập khẩu được mua bán qua thương mại điện tử nên việc quyết định hình thức kiểm tra còn bị hạn chế về thông tin cơ sở dữ liệu, không đủ cơ sở dữ liệu để đưa ra quyết định miễn kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có đủ thông tin.
Việc mua bán hàng hóa qua giao dịch thương mại điện tử thường là các mặt hàng có khối lượng và số lượng nhỏ, nhưng có tần suất gửi nhận thường xuyên, cơ quan Hải quan cần giải quyết thông quan hàng hóa theo thời hạn quy định nhưng vẫn cần đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan để phát hiện được những trường hợp gian lận, vi phạm. Đây là áp lực không nhỏ cho lực lượng công chức hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Đối với các cá nhân khi nhập khẩu hàng hóa được mua hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng phát sinh vướng mắc như: không có quy định miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phục vụ mục đích cá nhân không dùng cho mục đích kinh doanh được giao dịch qua thương mại điện tử.
Hồ sơ cấp phép của các đơn vị quản lý chuyên ngành chỉ phù hợp với đơn vị thực hiện nhập khẩu nhằm mục đích kinh doanh còn nếu cá nhân, tổ chức nhập khẩu chỉ nhằm mục đích sử dụng cho cá nhân thì không có giấy tờ đáp ứng đủ điều kiện để được cấp phép.
Người mua hàng không có chứng từ liên quan đến trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu xuất trình cho cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan, đặc biệt là các chứng từ nhằm chứng minh trị giá giao dịch của hàng hóa, cơ sở để cơ quan Hải quan thực hiện tính thuế.
Ngoài ra người mua hàng không có kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến thực hiện thủ tục hải quan nên gặp khó khăn khi tự thực hiện thủ tục hải quan khi không thực hiện thông qua đại lý làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, bưu chính.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý
Để quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần thiết hoàn thiện cơ sở pháp lý đảm bảo thủ tục hải quan đơn giản, nhanh chóng, phù hợp với các giao dịch thương mại điện tử
Đồng thời cần có giải pháp về cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành như: bổ sung quy định về việc miễn giấy phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phải cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành nhưng số lượng nhỏ, hàng hóa phục vụ mục đích cá nhân không dùng cho mục đích kinh doanh.
Đối với giải pháp về cách tính trị giá tính thuế, phù hợp với quy định chung và đặc điểm của hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.
Đặc biệt, để đảm bảo có cơ sở dữ liệu để thực hiện việc quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử thì cần thiết phải xây dựng một Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để tiếp nhận, cập nhật, xử lý, lưu giữ thông tin.
Các giải pháp trên hiện đã được Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Bộ Tài chính đã xin ý kiến tham gia của các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp các ý kiến tham gia của các đơn vị hoàn thiện dự thảo để gửi Bộ Tư pháp thẩm định, dự kiến trình Chính phủ ký ban hành vào tháng 12/2021.