Nhận diện nhiều sai phạm qua thương mại điện tử
Lợi dụng các tiện ích mà thương mại điện tử (TMĐT) mang lại, các đối tượng đã cố tình trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng để bán hàng trên các website, sàn TMĐT, mạng xã hội… Việc làm này không chỉ gây tổn hại đến người tiêu dùng mà còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Nhiều vi phạm qua TMĐT
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng viễn thông, được cộng hưởng thêm bối cảnh dịch bệnh COVID-19, TMĐT ngày càng phát triển và trở thành một hoạt động thiết yếu thay thế dần hoạt động thương mại truyền thống.
TMĐT mang đến nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến tiền mặt, có thể ngồi một nơi mà mua bán hàng hóa ở nhiều nơi khác… Tuy nhiên, một số các đối tượng cũng triệt để lợi dụng các tiện ích mà TMĐT mang lại để hoạt động vi phạm pháp luật. Cụ thể, trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng để bán hàng trên các website, sàn TMĐT, tài khoản mạng xã hội…
Theo Phó Trưởng phòng Phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) Nguyễn Huy Lục, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Đối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác.
Còn trong lĩnh vực quản lý thuế, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Thuế Nguyễn Tiến Trung cho biết, vi phạm phổ biến trong trong kinh doanh TMĐT là không hình thành cơ sở thường trú tại Việt Nam để tránh quản lý thuế từ cơ quan Thuế Việt Nam; phát sinh thu nhập từ việc tổ chức hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không đăng ký, kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế Việt Nam.
Ngoài ra, một số đối tượng còn thành lập đơn vị pháp nhân tại các thiên đường thuế, các nước có ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam để tránh thuế; khai báo địa chỉ tại nước ngoài không rõ ràng, chính xác gây khó khăn cho cơ quan thuế Việt Nam liên lạc, xác minh.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Trung, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn Ngành tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT. Cụ thể, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng các cấp (bao gồm Công an xã, phường, thị trấn), các ngân hàng thương mại, các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng... để cập nhật đầy đủ các thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT.
Đồng thời, truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng mà không khai báo với cơ quan Thuế. Cùng với đó, chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT để cùng phối hợp xử lý kịp thời.
Để xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên không gian mạng, ông Nguyễn Huy Lục cho rằng, các lực lượng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên không gian mạng A05, C03 - Bộ Công an và Công an các địa phương, Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương); Cơ quan quản lý Thuế, Hải quan…). Theo đó, việc phối hợp cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết, phân công rõ vai trò trách nhiệm của từng lực lượng tham gia công tác điều tra xử lý.
“Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện một cửa hàng kinh doanh có dấu hiệu kinh doanh hàng giả, hàng nhái và có website, tài khoản mạng xã hội để kinh doanh các mặt hàng tương tự. Để có căn cứ xác định cụ thể các website, tài khoản mạng xã hội liên quan đến cửa hàng này cần phối hợp với A05, từ đó hỗ trợ xác minh làm rõ thông tin của người quản lý website, chủ tài khoản mạng xã hội. Đồng thời, phối hợp với Cục TMĐT và kinh tế số để xác minh việc đăng ký hoạt động kinh doanh TMĐT chưa? Có đơn thư khiếu nại tố cáo của các nhãn hàng gốc hay không?”, ông Nguyễn Huy Lục dẫn chứng.