Sẽ có nhiều cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư xây nhà cho công nhân
Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước để ban hành hướng dẫn Quy chế cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, đặc biệt là cơ chế dành cho chủ đầu tư.
Chưa có chính sách riêng cho nhà ở công nhân
Chia sẻ tại Tọa đàm "Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp" do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (VCCI) tổ chức, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay cho thấy các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động, nhất là tại các tỉnh phía Nam (trong đó có TP. Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...) là các địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN), đã chịu ảnh hưởng nặng nề về sức khoẻ người dân, về kinh tế...
Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân KCN, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.
Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách để thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, các độ vênh giữa quy định pháp luật để thúc đẩy phát triển loại hình này.
Ông Hưng lấy dẫn chứng: "Điển hình như về cơ chế chính sách ưu đã chưa thực chất, chưa thiết thực để chủ đầu tư tham gia. Các cơ chế chính sách này thực chất không phải dành cho chủ đầu tư, bởi trong Luật nhà ở và các quy định liên quan, các chính sách ưu đãi về đất đai không được tính vào giá thành đầu tư, như vậy, chính sách chỉ dành cho người dân, chưa thực chất đối với chủ đầu tư, chưa thúc đẩy các chủ đầu tư tham gia thực hiện các công trình này".
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có cơ chế chính sách riêng về 10 nhóm đối tượng nhận ưu đãi, đó là nhóm công nhân khu công nghiệp. Cơ chế riêng cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân cũng chưa sát thực tế bởi thực chất rất ít chủ đầu tư được thụ hưởng bởi thường các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thì không có chức năng ngành nghề đầu tư xây dựng nhà ở nên rất ít doanh nghiệp được hưởng chính sách này.
Sẽ có nhiều cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư
Đại diện Bộ xây dựng cho biết, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Trong đó, “Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng” bao gồm: Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, trong đó: Cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định.
Cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.
Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân KCN thuê. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách để “mở đường” cho nhà ở công nhân như về quy hoạch, quỹ đất, đề xuất UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân KCN thuê (đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng.
Trường hợp KCN có khó khăn về nhà ở công nhân, quỹ đất dịch vụ - thương mại trong KCN chưa được sử dụng hết thì giao Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân để cho thuê; trường hợp quỹ đất dịch vụ - thương mại đã sử dụng hết nhưng đất sản xuất công nghiệp chưa sử dụng hết thì UBND cấp tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch KCN để dành quỹ đất để đầu tư nhà lưu trú công nhân.
Bên cạnh đó, yêu cầu các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê phải được quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng đảm bảo cân đối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian, hài hòa kiến trúc cảnh quan trong phạm vi đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người lao động.
Về cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư, chủ đầu tư các dự án trong Chương trình được hưởng ưu đãi của Chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP và các pháp luật khác liên quan.
Chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng (nếu có) và được khấu trừ chi phí này khi nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Được cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong KCN thuê nhà công nhân để bố trí cho công nhân của mình lưu trú.
Chủ đầu tư được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công tác tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê thì chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp.
Về giá thuê, giá bán nhà, giá cho thuê đối với các dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê do UBND cấp tỉnh phê duyệt căn cứ đề nghị của Chủ đầu tư, theo nguyên tắc không được tính các ưu đãi của nhà nước vào giá thuê và bảo đảm lợi nhuận định mức tối đa bằng 10% tổng vốn đầu tư xây dựng và thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm; Giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua đối với các dự án nhà ở xã hội thực hiện theo pháp luật nhà ở xã hội hiện hành.
Đồng thời, Bộ cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, để xây dựng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa gói tín dụng theo hình thức tái cấp vốn vào nội dung Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 và các cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện Chương trình, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.
Nghiên cứu, đề xuất nội dung liên quan đến gói tín dụng của Chương trình và ban hành Thông tư hướng dẫn sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.