Sẽ nới điều kiện kinh doanh bảo hiểm
Điều kiện lập mới doanh nghiệp bảo hiểm và các công ty môi giới bảo hiểm sẽ được nới lỏng.
Cánh cửa mở rộng
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của cơ quan này. Theo đó, riêng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, dự thảo đã sửa đổi khá nhiều điều khoản liên quan đến điều kiện kinh doanh bảo hiểm vốn đã được quy định tại Nghị định 73/2016.
Theo dự thảo kể trên, điều kiện cấp giấy phép thành lập mới công ty bảo hiểm và công ty môi giới bảo hiểm có sự mở rộng đáng kể. Cụ thể, trước đây để thành lập những công ty này, các cá nhân, tổ chức góp vốn thành lập phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về loại hình doanh nghiệp, quy chế tổ chức doanh nghiệp và người quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, với dự thảo Nghị định mới, quy định này đã được bãi bỏ. Điều này có nghĩa là bất kể tổ chức, cá nhân nào có kế hoạch kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm cũng có thể xin phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới mà không cần phải đắn đo về loại hình, quy chế tổ chức cũng như mô hình quản trị, điều hành doanh nghiệp.
Việc bãi bỏ một số quy định tại Điều 7 Nghị định 73/2016 trong dự thảo Nghị định trên cũng cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm mới được thành lập mà không cần phải là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Khi thành lập công ty cổ phần bảo hiểm thì các tổ chức, cá nhân sáng lập cũng không cần đáp ứng điều kiện “cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của công ty trong 3 năm đầu tiên”. Điều này cho phép hoạt động sang nhượng cổ phần được diễn ra ngay sau khi doanh nghiệp bảo hiểm vừa thành lập.
Đáng chú ý, việc bãi bỏ Điểm c, Khoản 2, Điều 8 Nghị định 73/2016 cho phép các công ty bảo hiểm nước ngoài được phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam mà không cần phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm tại nơi doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đóng trụ sở chính.
Ngoài ra, việc bãi bỏ hàng loạt quy định về đại lý bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ cũng sẽ cho phép các đại lý bảo hiểm được tự do thành lập mà không cần phải đáp ứng các điều kiện như: “có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động đạilýbảo hiểm liên tục”, “có ít nhất 6 tháng kinh nghiệm làm việc liên tục trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán do Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp”…
Những rủi ro tiềm ẩn
Với doanh thu toàn thị trường kinh doanh bảo hiểm năm 2017 đạt trên 105.000 tỷ đồng, tăng 21,2%, các chuyên gia Vietnam Report cho rằng thị trường bảo hiểm chắc chắn sẽ đón nhận thêm nhiều doanh nghiệp mới nếu các điều kiện kinh doanh được Chính phủ cởi mở.
Giới phân tích vĩ mô cho rằng trong giai đoạn 2011 - 2017, tổng số tiền các công ty bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 17,7%/năm. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm không chỉ là một công cụ hữu ích bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, mà còn được coi là một trong các kênh dẫn vốn trung và dài hạn đáng được khuyến khích mở rộng.
Tuy nhiên, việc quá cởi mở các điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực bảo hiểm như dự thảo nghị định mới mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cũng khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này lo ngại về sự “hỗn loạn” trên thị trường bảo hiểm.
TS. Nguyễn Thanh Bình - Khoa Luật – Đại học Sài Gòn cho rằng việc không bắt buộc các đại lý bán bảo hiểm phải có chứng chỉ chuyên môn về tài chính – chứng khoán sẽ tạo điều kiện dễ dàng để các đại lý mới hình thành và hoạt động. Điều này sẽ dẫn tới phát sinh thêm nhiều hành vi gian lận trong việc trục lợi từ hoa hồng bảo hiểm vốn đang diễn ra phổ biến và khó kiểm soát.
Chia sẻ quan điểm này, một đại diện của Bảo hiểm Dai-ichi Life cho rằng, hiện nay tâm lý chung của nhiều người dân vẫn còn e ngại với các đại lý bảo hiểm và nhầm lẫn với các mô hình kinh doanh đa cấp. Do vậy, việc nới rộng điều kiện cấp phép thành lập đối với các đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm mà không kết hợp các điều kiện bắt buộc về chuyên môn sẽ dễ dẫn tới các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trá hình, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của thị trường bảo hiểm.
Ở góc độ đầu tư, trong giải thích của mình về việc cởi mở điều kiện cho các tập đoàn nước ngoài được góp vốn đầu tư vào ngành bảo hiểm hoặc được mở chi nhánh công ty bảo hiểm tại Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng trước đây, vì thị trường bảo hiểm trong nước còn sơ khai nên cần đặt ra yêu cầu công ty nước ngoài phải có kinh nghiệm và được xác nhận năng lực từ cơ quan quản lý của nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay thị trường bảo hiểm trong nước đã phát triển và có độ chuyên nghiệp nhất định nên quy định này không cần thiết nữa.
Mặc dù vậy, việc bỏ quy định ràng buộc này theo một số chuyên gia là khá dễ dãi, vì nó sẽ khiến các quỹ đầu tư và các công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư có trụ sở ở nước ngoài, chưa được kiểm chứng về mặt năng lực tài chính tham gia nhiều hơn vào thị trường bảo hiểm Việt Nam. Từ đó tạo ra những rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp ngành bảo hiểm và tạo tiền đề thiếu bền vững trong việc kiểm soát cân đối vốn pháp định, vốn điều lệ của các DN bảo hiểm trong tương quan với khả năng chi trả các hợp đồng bảo hiểm trong dài hạn.