Sẽ sớm sửa đổi những bất cập trong hoạt động chứng khoán hiện nay

Theo Chinhphu.vn

Những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Chứng khoán (CK) từ đầu năm 2007 đến nay có thể thấy như hoạt động phát hành CK riêng lẻ, một số loại hình CK mới đang đòi hỏi cần sớm bổ sung về cơ sở pháp lý.

Bên cạnh đó, một số quy định hiện hành lại chưa phù hợp với thực tế hoặc do cách hiểu giữa các luật chưa thống nhất, như quy định về công bố thông tin, về nghiệp vụ của tổ chức kinh doanh CK, công ty đầu tư CK, quy định về tỷ lệ phạt vi phạm hành chính.
 
Để giải quyết những bất cập này, đầu tháng 8, Chính phủ đã cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CK, nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù và thực tế của hoạt động trên thị trường CK hiện nay, cũng như phù hợp với xu thế hội nhập và bảo vệ nhà đầu tư. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 16 điều, khoản của Luật CK hiện hành, bổ sung 1 điều mới, bãi bỏ 1 điều.
 
Lấp khoảng trống về quy định buộc đăng ký giao dịch tại thị trường CK có tổ chức
 
Hiện nay chưa có các quy định buộc các công ty đại chúng phải đưa CK chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường có tổ chức, do vậy, các giao dịch CK được thực hiện ở cả thị trường có tổ chức (đối với những công ty đại chúng niêm yết, đăng ký giao dịch CK tại hai Sở giao dịch CK Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) và cả thị trường tự do (đối với CK của công ty không đăng ký giao dịch tại thị trường có tổ chức).
 
Việc giao dịch CK trên thị trường tự do sẽ thiếu tính minh bạch do không có đủ thông tin một cách chính thống, mặt khác mọi giao dịch này không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứa đựng nguy cơ rủi ro, có khả năng dẫn tới lừa đảo và gây tác động bất lợi với thị trường chính thức. Điều này làm cho CK không có tính thanh khoản, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông.
 
Vì vậy, dự thảo Luật bổ sung quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng theo hướng khi đăng ký chào bán CK ra công chúng, các doanh nghiệp phải cam kết đưa CK chào bán ra công chúng niêm yết, đăng ký giao dịch tại thị trường CK có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc chủ sở hữu thông qua.
 
Quản lý chặt hơn về công bố thông tin
 
Để khắc phục bất cập về sự bất bình đẳng trong công bố thông tin giữa công ty đại chúng niêm yết và công ty không niêm yết, dự thảo Luật quy định yêu cầu công bố thông tin theo quy mô của công ty đại chúng (mức vốn điều lệ, số lượng cổ đông của công ty) mà không phân biệt giữa công ty đại chúng và tổ chức niêm yết.
 
Quy định này là nhằm đảm bảo tất cả các công ty quy mô vốn lớn đều phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ và ở mức cao hơn so với công ty có quy mô vốn nhỏ. Quy định này góp phần khuyến khích các doanh nghiệp đưa CK vào niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do, đảm bảo công bố thông tin đầy đủ.
 
Công ty đại chúng phải công bố thông tin định kỳ về 1 hoặc 1 số nội dung: Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính 6 tháng đã được soát xét bởi công ty kiểm toán độc lập hoặc tổ chức kiểm toán được chấp thuận, báo cáo tài chính quý; Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên.
 
Quy định cụ thể về chào mua công khai
 
Mục đích của chào mua công khai nhằm hạn chế việc thao túng CK, đảm bảo thị trường vận hành minh bạch, giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ và tổ chức phát hành bảo vệ được quyền, lợi ích của mình trước quyết định của các giao dịch có ảnh hưởng tới giá, tới hoạt động của tổ chức phát hành.
 
Luật hiện hành quy định các trường hợp phải chào mua công khai bao gồm: Chào mua cổ phiếu có quyền biểu quyết dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty đại chúng; chào mua mà đối tượng được chào mua bị bắt buộc phải bán cổ phiếu mà họ sở hữu.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những trường hợp chào mua với khối lượng từ 10% trở lên sau khi đã đạt mức 25% cũng có thể ảnh hưởng tới giao dịch CK, ảnh hưởng tới quyết định của tổ chức phát hành và quyền lợi của các cổ đông khác. Nhưng Luật CK hiện hành lại chưa có quy định phải chào mua công khai.
 
Quy định hiện hành về chào mua công khai còn cứng nhắc, dẫn đến khó thực hiện cho các đối tượng phải chào mua công khai trong trường hợp đã nắm giữ trên 25% nhưng có ý định mua tiếp với tỷ lệ nhỏ (có thể là 0,5%, 1%,…) mà không gây ảnh hưởng nhiều tới quyết định của công ty và quyền lợi của các cổ đông khác. Ngược lại có trường hợp chuyển nhượng CK giữa các cổ đông lớn, giữa các công ty trong tập đoàn đã được đại hội cổ đông thông qua hoặc trường hợp công ty mua lại cổ phiếu của chính mình lại phải chào mua công khai như quy định hiện nay là điều không phù hợp, gây khó khăn cho công ty khi thực hiện và tạo thành thủ tục không cần thiết cho công ty.
 
Cùng với sự phát triển của thị trường, ngày càng xuất hiện nhiều dạng vi phạm mới, tinh vi hơn, phức tạp hơn mà Luật CK không thể thường xuyên thay đổi để bổ sung các quy định cũng như rất khó lượng hóa hết các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt.
 
Do vậy, để đảm bảo xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm trên thị trường, Luật CK sẽ bổ sung quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm mới và chế tài xử phạt đối với những hành vi chưa được quy định trong Luật CK.