Sửa đổi Luật Chứng khoán phù hợp với hệ thống pháp luật và thông lệ quốc tế
Chiều 16/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) cho biết, việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm thị trường là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 135 điều. So với luật hiện hành, dự thảo luật giữ nguyên 8 điều, sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu khẳng định, cần thiết phải sửa đổi Luật Chứng khoán và cho rằng, Ban soạn thảo đã làm rất công phu. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, thị trường tài chính của ta phát triển tiệm cận với thị trường tài chính thế giới nên việc sửa Luật Chứng khoán là cần thiết. Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội băn khoăn khi trong dự thảo luật có nêu ưu tiên cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhưng Luật Doanh nghiệp lại quy định bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, nếu đưa nội dung này vào luật thì cần có lập luận chặt chẽ.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phạm vi điều chỉnh luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật, trong đó cần chú trọng rà soát lại để bảo đảm dự án luật phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam và với thông lệ quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình việc nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng cho phù hợp quy mô thị trường chứng khoán hiện nay nhưng cần tiếp tục đánh giá tác động và có điều khoản chuyển tiếp hợp lý.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình về việc có quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm khơi thông dòng vốn hỗ trợ các doanh nghiệp này. Tuy nhiên cần tính tới yếu tố bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Về vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán, bảo đảm tính độc lập nhưng vẫn phải trực thuộc Bộ Tài chính.